Sinh viên kẹt lại ở TP.HCM nấu ăn cho bạn, chia sẻ lương thực

Thu Hương, Mỹ Linh và Thiên Thủy là sinh viên của ba trường khác nhau. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, cả ba đều cùng một hoàn cảnh là mắc kẹt lại TP.HCM.
Không thể về quê, ba nữ sinh, tuy khác nhà trọ, vẫn cố gắng hỗ trợ nhau từ những việc nhỏ nhất để vượt qua dịch bệnh.
Thu Hương thường nấu đồ ăn gửi sang các bạn, còn Mỹ Linh thì lại chia sẻ lương thực, thực phẩm mà gia đình gửi từ quê lên cho cả ba.
Những món ăn được “ship” đến bạn bè
Ở lại TP.HCM để làm thêm trong thời gian nghỉ hè, vì vậy, khi có thông báo giãn cách xã hội toàn thành phố, Nguyễn Thị Thu Hương không thể về quê tránh dịch.
“Từ Tết đến bây giờ, em mới về quê được một lần. Mỗi lần dịch bùng phát, em không biết bản thân có mang theo mầm bệnh hay không nên cũng không dám về”, nữ sinh chia sẻ.
Mong muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, từ khi lên thành phố, nữ sinh viên năm nhất trường CĐ Sài Gòn, đã làm thêm nhiều công việc khác nhau.
Trước giãn cách, Thu Hương làm thêm ở quán trà sữa. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, do công việc làm thêm nên lần này Hương cũng không thể về quê nhà ở tỉnh Bình Phước.
Không chỉ nấu ăn cho bản thân, Hương còn nấu thêm để gửi bạn bè. Ảnh: NVCC.
Thời gian này, Hương chỉ quanh quẩn trong nhà trọ cùng người chị họ của mình, tuy nhiên, nữ sinh viên vẫn giữ tinh thần lạc quan. Hương mỉm cười nói bản thân đang nấu món thịt kho tàu cho mùng 6 Tết – là ngày thứ 6 thực hiện giãn cách ở TP.HCM.
Không học online do đang nghỉ hè, Hương tận dụng thời gian rảnh để nấu đồ ăn. Nguyên liệu của Hương chủ yếu là từ lương thực, thực phẩm do gia đình gửi lên, hoặc từ sự hỗ trợ của mạnh thường quân.
Chia sẻ với Zing, nữ sinh cho biết, bản thân không quá lo lắng về vấn đề nhu yếu phẩm cần thiết. Nếu không có “tiếp tế” từ gia đình, nữ sinh vẫn có thể mua ở các cửa hàng gần nhà trọ.
Cảm thấy bản thân may mắn vì có điều kiện nấu ăn, Thu Hương đã thực hiện “kế hoạch” nấu thêm đồ ăn để gửi đến bạn bè ở các khu trọ khác. Các món ăn được Hương chế biến đa dạng và đóng vào hộp đựng riêng, rồi gửi qua shipper đến tay từng người bạn. Trước khi giãn cách, Hương còn tự giao đồ ăn đến nơi trọ của từng bạn.
Công việc này tuy nhỏ, nhưng đã giúp được nhiều người bạn của Hương – những sinh viên không thể nấu ăn do thiếu lương thực, thực phẩm.
Chia ngọt, sẻ bùi từng món “quà quê”
Hồ Thị Mỹ Linh, sinh viên năm 3, ĐH Tài chính – Marketing là một trong những người bạn của Hương phải ở lại TP.HCM, do dịch bệnh Covid-19. Nhận những cuộc gọi mong mỏi con gái về quê, Linh cố gắng trấn an bố mẹ. Để bảo vệ mình và gia đình, nữ sinh kiên quyết ở lại thành phố.
Ngoài việc học tập, Mỹ Linh còn làm thêm tại thành phố. Công việc của nữ sinh quê Đắk Lắk là pha chế. Dịch bùng phát trở lại, Linh sử dụng số tiền làm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nữ sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề mua lương thực, thực phẩm.
Thực phẩm do bố mẹ ở Đắk Lắk gửi lên cho Mỹ Linh. Ảnh: NVCC.
“Do dịch bệnh, những thùng thực phẩm mẹ em gửi lên có phí vận chuyển cao hơn bình thường. Việc mua thực phẩm ở thành phố khó hơn rất nhiều. Ba ngày gần đây em không thể mua thịt và rau củ do các tiệm bách hóa đều đã bán hết”, nữ sinh chia sẻ.
Bản thân Mỹ Linh hiểu rõ vấn đề thực phẩm hiện tại như thế nào, nên khi có “quà quê” do mẹ gửi lên, Linh đã chia sẻ lại cho những người bạn cùng hoàn cảnh với mình.
Hôm thì trái cây, hôm thì rau củ, cả Hương và Linh đều cố gắng hỗ trợ nhau vượt qua thời điểm khó khăn này.
Mong dịch bệnh sớm qua đi
Trong những người bạn của Thu Hương, Nông Thiên Thủy, sinh viên ĐH Tài chính – Marketing, gặp nhiều khó khăn nhất trong việc mua lương thực, thực phẩm.
Là sinh viên năm 3, Thiên Thủy đã quen với việc sống ở TP.HCM khi dịch bùng phát. Từ Tết đến giờ, Thủy chưa về quê lần nào. Chỗ thuê trọ của nữ sinh đã bị phong tỏa trong thời gian dài. Vì không muốn bố mẹ mất công gửi thực phẩm, Thủy đã cố gắng tự lo nhu yếu phẩm.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc mua thực phẩm ở gần nhà trọ gặp khó khăn, Thủy phải nhờ bạn bè mua giúp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chỗ trọ của Hương cũng bị phong tỏa, nên việc mua thực phẩm và nhận đồ ăn của Thủy không còn được như trước. Nữ sinh viên lo lắng cho những ngày tiếp theo của mình.
“Em chỉ muốn về nhà thôi. Mỗi lần bố mẹ gọi, hỏi han tình hình con gái ở thành phố, em cũng không biết phải làm sao”, Thiên Thủy chia sẻ.
Thời gian giãn cách ở trọ, Thiên Thủy chủ yếu học online. Áp lực từ những kỳ thi khiến nữ sinh viên vơi bớt đi nỗi nhớ nhà. Khi không có lịch học, Thủy sẽ tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa hoặc nấu ăn.
Cũng giống như các bạn của mình, Thủy mong dịch Covid-19 sẽ sớm qua đi để mọi việc trở lại bình thường. Nữ sinh còn một kỳ thực tập để tốt nghiệp, vì vậy, cô nàng lo sợ, nếu dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thời gian ra trường của mình.
Nguyễn Hằng