Nhẩm tính hiệu quả của đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Thử tính hiệu quả của đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Ông Toản nhận định, hiệu quả tài chính của đường sắt Cát Linh-Hà Đông rất thấp, phải bù lỗ, song hiệu quả kinh tế-xã hội là có, thậm chí cao.

Sau 13 năm xây dựng, ngày 6/11/2021, đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chính thức đi vào vận hành thương mại.

Trong một  bài viết , TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng Viện Điện – Điện tử -Tin học (EEI) đã thử tính toán hiệu quả kinh tế của tuyến đường này.

Về tổng vốn đầu tư (tính bằng USD):

Điều chỉnh năm 2016: Trung Quốc đầu tư 669 triệu USD, Việt Nam đầu tư 199 triệu USD

Tổng số vốn đầu tư sau điều chỉnh là 669 + 199 = 868 triệu USD

Tổng vốn đầu tư (tính bằng VND):

Từ ngày bắt đầu vận hành thương mại 6/11/2021, đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ có doanh thu và tiền lời, bằng VND, là tiền vé của hành khách. Tiền lời của công trình sẽ mua USD để trả nợ hoặc hoàn vốn.

Tiền VND để mua USD trả nợ hoặc hoàn vốn, phụ thuộc vào tỷ giá VND/USD. Tỷ giá này thường xuyên biến đổi, do đó tổng vốn đầu tư tính bằng VND sẽ thay đổi theo thời gian.

TS Nguyễn Bách Phúc thử tính tổng vốn đầu tư bằng VND của đường sắt Cát Linh-Hà Đông, vào ngày bắt đầu khai thác thương mại 6/11/2021:

Tỷ giá VND/USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 6/11/2021 là 23.133 VND/USD.

Vậy tổng vốn đầu tư của công trình, tính bằng VND vào ngày 6/11/2021 là:

868 triệu USD x 23.133 VND/USD = 20.079.444 triệu VND = 20.079,444 tỷ VND

Về doanh thu hàng năm

Doanh thu của công trình này là tiền bán vé cho hành khách đi tàu. TS Nguyễn Bách Phúc dẫn thông tin lãnh đạo Bộ GTVT cho biết trên báo chí: Dự kiến khai thác hàng ngày từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, vậy số giờ khai thác là 18 giờ/ngày, và tần suất cao nhất là 6 phút 1 chuyến tàu, là 10 chuyến/1 giờ.

Như vậy, mỗi ngày có 18 x 10 = 180 chuyến tàu, tính cả hướng đi hướng về thì mỗi ngày có 180 chuyến x 2 = 360 chuyến.

Nhằm mục đích đạt được doanh thu và lợi nhuận thật cao, ở đây giả thiết những thông số tối ưu trong tính toán:

Mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở tối đa 240 người, vậy mỗi chuyến tàu có thể chở tối đa 240 x 4 = 960 hành khách

Khách đi tàu rất đông trong giờ cao điểm, ngoài giờ cao điểm, lượng khách không nhiều. Giả thiết rằng lượng khách bình quân trong ngày khoảng 65% của năng lực tối đa của đoàn tàu, vậy mỗi chuyến tàu có bình quân 960 hành khách/toa x 65% = 624 hành khách/chuyến

Đôi bạn trẻ chờ được trải nghiệm đi đường sắt Cát Linh-Hà Đông. 

Tổng số hành khách mỗi ngày là: 624 hành khách/chuyến x 360 chuyến/ngày = 224.640 hành khách/ngày

Lãnh đạo Bộ GTVT nói giá vé toàn tuyến là 15.000 VND. Vậy mỗi ngày thu được 15.000 VND x 224.640 hành khách/ngày =3.3696 triệu VND/ngày =3,3696 tỷ VND/ngày

Doanh thu một năm: 3,3696 tỷ VND/ngày x 365 ngày = 1.229,904 tỷ VND

Lợi nhuận hàng năm:

Theo Chủ tịch HASCON, khoa học quản lý kinh tế đã tổng kết về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cho các ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành Công nghiệp là 18% – 20%, ngành Dịch vụ du lịch khách sạn là 45% – 48%, v.v…

Kinh doanh đường sắt thuộc ngành Công nghiệp chỉ 18% – 20%, nhưng giả thiết rằng kinh doanh đường sắt trên cao có tỷ suất lợi nhuận rất lớn, nên chọn mức lợi nhuận cao gấp rưỡi mức bình thường, là 30%.

Vậy lợi nhuận hàng năm của công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông là: 1.229,904 tỷ VND x 30% = 368,971 tỷ VND/năm.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư và thời gian thu hồi vốn:

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư: 368,971 tỷ VND/20.079,444 tỷ VND = 1,837%

Thời gian thu hồi vốn: 20.079.444 tỷ VND/368,971 tỷ = 54,43 năm

1/1,837% = 54,43 năm

Từ những tính toán trên, TS Nguyễn Bách Phúc kết luận: Các nước trên thế giới thường chỉ tung tiền đầu tư công trình với điều kiện tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên tổng vốn đầu tư lớn hơn 12%, và thời gian thu hồi vốn nhỏ hơn 1/12% = 8,33 năm.

Đối với công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên tổng vốn đầu tư nhiều lắm cũng chỉ 1,837%, và thời gian thu hồi vốn phải trên 54 năm.

Người dân Hà Nội xếp hàng để trải nghiệm đi đường sắt Cát Linh-Hà Đông. 

Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng Bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, xét về hiệu quả kinh tế, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông không lỗ, chỉ có hiệu quả tài chính lỗ.

“Hiệu quả kinh tế của đường sắt Cát Linh-Hà Đông không lỗ, vì tàu này phục vụ bao nhiêu hành khách. Thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội Metro) cho thấy, sau 5 ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vận hành miễn phí (từ 6-11/11) đã có 132.325 lượt hành khách đi tàu.

Trong đó, đông khách nhất là hai ngày đầu khai trương, sau đó khách giảm xuống ở mức dưới 20.000 khách/ngày, ngày thứ 5 có số lượng khách thấp nhất.

Cụ thể, ngày khai trương (6/11): có 25.680 lượt khách/chạy 109 chuyến; ngày 7/11: có 54.121 khách/141 chuyến; ngày 8/11: có 19.341 khách/136 chuyến; ngày 9/11: có 16.857 khách/136 chuyến; ngày 10/11: có 16.217 khách/136 chuyến.

Như vậy, trong 3 ngày từ 8 – 11/11 (ngày làm việc trong tuần) số lượng khách đi tàu trung bình có hơn 120 đến 140 khách/chuyến, tương đương với 12-14% sức chở tối đa của đoàn tàu (960 người).

Rõ ràng, lợi ích mà tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mang lại cho nhiều người dân như vậy thì không thể nói là hiệu quả kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói, đồng thời lưu ý, về lý thuyết, mỗi toa tàu Cát Linh-Hà Đông chở được 240 người, còn nếu vượt tải, con số này lớn hơn nhiều. Đây là chuyện bình thường của các phương tiện giao thông công cộng.

Chính vì thế, vị chuyên gia khẳng định, về thu chi (hiệu quả tài chính) có thể tàu Cát Linh-Hà Đông lỗ nhưng hiệu quả kinh tế là cao, cho nên chỉ có vốn của cộng đồng phục vụ cộng đồng mà thôi.

“Hiệu quả kinh tế tính cả thứ thu được và thứ không thu được bằng tiền. Chẳng hạn, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, miễn phí cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo… Đó chính là hiệu quả kinh tế-xã hội”, PGS.TS Nguyễn Quảng Toản chỉ rõ.

Cũng bởi hiệu quả tài chính thấp nên theo vị chuyên gia, Nhà nước luôn luôn phải trợ giá. Đối với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong những năm đầu vận hành, chưa chắc tiền thu được đã đủ chi phí vận hành, khai thác, chưa nói đến những chi phí khác.

Từ đây, một lần nữa, PGS.TS Nguyễn Quang Toản khẳng định, hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị này là cải thiện bộ mặt giao thông, cải thiện điều kiện, thời gian đi lại của người dân, trong đó hầu hết là người đi làm, người đi học.

“Đã là giao thông công cộng thì nước nào cũng phải bù lỗ và bù lỗ lâu dài. Rất hiếm có quốc gia, lãnh thổ nào lãi về giao thông công cộng”, ông nói.

Kim Chung (TH)