Kéo gần khoảng cách thời khắc thiêng liêng của phút giao thừa

Internet trở thành lựa chọn lý tưởng cho việc tìm kiếm thông tin, trao đổi, liên lạc nhất là trong thời dịch bệnh, giãn cách xã hội. Với những người xa xứ, công nghệ còn làm cầu nối với người thân trong thời khắc thiêng liêng của phút giao thừa.
Kéo gần khoảng cách gia đình
Ngày Tết, dù ở đâu xa mọi người đều muốn sum vầy bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng vì dịch bệnh, đối với những người con đi xa, đi xuất khẩu lao động, đi du học, họ không có được cơ hội đó và niềm hạnh phúc nhỏ nhoi còn lại trong những ngày Tết nơi xứ người là quây quần bên bạn bè cùng bữa cơm tân niên. Nhưng dù có vui đến đâu, thì trong lòng họ luôn hướng về gia đình mà có cảm giác man mác, chống chếnh.
giao thua (2)
Ảnh minh họa
Với những người con xa quê, mạng internet như có bàn tay thần kỳ, kéo gần khoảng cách với người thân trong gia đình. Anh Trần Định Nhân, một người lao động ở Đài Loan tâm sự: “Thật may mắn là Tết ở Đài Loan lại trùng với Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, ba ngày nghỉ Tết ấy lại khiến chúng tôi buồn nhiều hơn vui. Ngày Tết không có bánh chưng, không có hoa mai, hoa đào, cũng chẳng có nồi thịt kho, củ kiệu hay dưa chua. Thèm lắm vị Tết quê nhà. Nhưng có lẽ, nỗi nhớ gia đình, đặc biệt là nhớ vợ con cứ quặn thắt lại. Cùng lắm là gọi cho nhau một cuộc điện thoại ngắn ngủi, được nghe giọng con trẻ gọi ba ơi, rồi sau đó cũng chìm vào nỗi suy tư của người xa xứ…”.
Có mạng xã hội, không còn cô đơn
Với nhiều bạn trẻ, giờ đây việc đón giao thừa trên mạng lại trở thành thú vui mang lại cảm xúc đặc biệt. Không cần chen lấn hay cố luồn lách qua những dòng xe cộ đông đúc, chỉ cần ngồi ở nhà với 1 chiếc máy tính nối mạng hoặc một chiếc điện thoại kết nối 3G là có thể cảm nhận giao thừa ở khắp năm châu, và sẻ chia cảm xúc.
1
Ảnh minh họa
Hoàng Hữu Tuấn, nhân viên VNPT tâm sự: “Mình là nhân viên trực tổng đài kỹ thuật. Hầu như năm nào mình cũng phải trực đêm giao thừa do mình chưa vướng bận gia đình. Nói thật là trước đây mình rất sợ phải ngồi một mình trong căn phòng với những cỗ máy chạy ù ù ấy. Nhưng giờ đây rất khác. Mình thường lên facebook cập nhật thông tin, comment các thông tin của bạn bè, nhận lời chúc và chúc Tết mọi người. Thật không có gì diễn tả nổi thời khắc chuyển giao năm mới, facebook của mình ngập tràn lời chúc và những hình ảnh vui nhộn. Mình như thấy thời gian trôi nhanh hơn và ngay sáng hôm sau mình đã có cuộc hẹn đi chơi với bạn bè ”.
Những ngày cuối năm, người sử dụng mạng xã hội và thành viên trên các diễn đàn gửi cho nhau những status, câu chúc vui nhộn, dí dỏm. Thậm chí những đoạn clip chúc Tết hài hước được chia sẻ khiến những cư dân xa nhà vô cùng hả hê và tạm quên đi khoảng cách và nỗi nhớ quê nhà.
Trước đây, việc phải ngồi trước màn hình máy tính trong giờ khắc quan trọng nhất chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là “bất đắc dĩ”. Thời khắc giao thừa, hạnh phúc nhất là được ở bên những người thân trong gia đình hay tận hưởng không khí náo nhiệt ngoài đường phố cùng bạn bè. Nhưng giờ đây, với sự lên ngôi của mạng xã hội trong thời công nghệ số, bất chấp dịch bệnh, cộng đồng người Việt khắp năm châu sẽ có cái Tết xa quê đầm ấm hơn.
Song An