Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với nhà ở sẽ thay đổi thế nào từ 23/12?
Từ 23/12 sẽ áp dụng quy định mới về phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với nhà ở, vậy có gì mới so với hiện nay? (Lan Thy)
Luật sư tư vấn
Căn cứ khoản 1 mục I của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 97/2021/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực từ 23/12/2021), quy định rõ về tỷ lệ phí bảo hiểm/năm đối với nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên, cụ thể như sau:
– Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) là 0.05%.
– Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp không có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) là 0.1%.
Như vậy, so với quy định hiện nay thì mức phí bảo hiểm không thay đổi nhưng thêm đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (hiện nay tại Nghị định 23/2018/NĐ-CP chỉ quy định đối với nhà chung cư, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ).
Ví dụ 1: Nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động, phí đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 1,5 triệu đồng/năm. Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường theo mức thiệt hại thực tế nhưng tối đa 3 tỷ đồng.
Ví dụ 2: Nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động, phí đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 1,5 triệu đồng/năm. Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường theo mức thiệt hại thực tế nhưng tối đa 1,5 tỷ đồng.
Khoản 4 điều 1 Nghị định 97/2021/NĐ-CP bổ sung quy định mới về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau:
– Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
– Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy).
– Địa chỉ tài sản được bảo hiểm.
– Tài sản được bảo hiểm.
– Số tiền bảo hiểm.
– Mức khấu trừ bảo hiểm.
– Thời hạn bảo hiểm.
– Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm.
– Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung nêu trên.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM
Đoàn luật sư TP HCM