Hà Nội dự kiến xây dựng thêm một số cây cầu mới bắc qua sông Hồng

Thời gian tới, Hà Nội dự kiến xây dựng thêm một số cây cầu mới bắc qua sông Hồng; trong đó có cầu Trần Hưng Đạo.

Hà Nội mở thêm lối lưu thông, giảm tải cho các cây cầu. 

Hà Nội hiện đã có 6 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân. Tuy nhiên, số lượng cầu này vẫn chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển của Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội dự kiến xây dựng thêm một số cây cầu mới bắc qua sông Hồng; trong đó có cầu Trần Hưng Đạo.

Theo phương án đề xuất, cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy) với tổng chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5 km.

Điểm đầu dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm). Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy (Long Biên).

Công trình được thiết kế với kết cấu cầu chính hệ dầm chủ dạng dầm hộp liên tục, bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cắt rộng 31 m, linh hoạt thay đổi phù hợp với quy mô từng đoạn. Dự kiến, Hà Nội sẽ giao cho doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn xây dựng.

Việc Hà Nội định hướng mở cầu Trần Hưng Đạo được nhiều người dân và giới chuyên môn đánh giá cao về tính cấp thiết và khả thi. Khi cầu Trần Hưng Đạo hiện hữu sẽ giúp giảm tải cho các cầu kể trên. Về lâu dài còn tạo đà để mở thêm hướng kết nối các khu đô thị phía Bắc với trung tâm Hà Nội.

Một bài toán nữa mà Hà Nội đang hướng tới khi mở cầu Trần Hưng Đạo là giúp giãn dân khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) di dời sang khu Việt Hưng (quận Long Biên); giúp rút ngắn khoảng cách giữa đôi bờ sông Hồng, tạo điều kiện để người dân lưu thông tiện lợi hơn.

Kỹ sư thủy lợi Đỗ Tiến Công cho rằng, việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng trong phạm vi 4 quận nội thành cũ như cầu Trần Hưng Đạo là cần thiết và khả thi. Công trình này sẽ mở thêm một lối lưu thông, kết nối thẳng vào trung tâm thành phố, giảm tải hiệu quả cho các cầu vốn lâu nay đã quá tải như Chương Dương, Long Biên và Vĩnh Tuy.

Nêu quan điểm về việc thành phố dự kiến giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng cây cầu, kỹ sư chuyên ngành giao thông cầu đường Đặng Đức Hưởng phân tích, trên thực tế, nhiều tỉnh thành đã thành công khi giao cho tư nhân tham gia xây dựng những công trình công ích, như ở Quảng Ninh là Sân bay Vân Đồn.

Việc giao cho tư nhân thực hiện dự án giúp giảm áp lực ngân sách Nhà nước; đồng thời, đẩy nhanh được tiến độ triển khai do cắt giảm được một số thủ tục đầu tư, người dân sớm được hưởng lợi từ dự án.

Song có một thực tế, hiện thành phố đang dừng các dự án dạng BT (xây dựng – chuyển giao) thì việc xây cây cầu có vốn khoảng chục nghìn tỷ đồng sẽ được thực hiện theo phương thức nào cũng là bài toán cần phải cân nhắc và thận trọng.

Anh Nguyễn Đắc Sơn – người dân sinh sống ở phường Bồ Đề (Long Biên) nhận xét, cầu được xây dựng sẽ đánh thức tiềm năng kinh tế của khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh…; thúc đẩy kết nối với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.

Tuy nhiên, cầu Trần Hưng Đạo được dự kiến xây dựng ở khu vực có đông dân cư sẽ gặp khó khăn khi giải phóng mặt bằng. Do vậy, dự án cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giá đền bù, quỹ đất tái định cư, giải phóng mặt bằng.

“Chính quyền cần công khai cụ thể chỉ giới phạm vi cây cầu chạy qua để người dân biết và chuẩn bị tinh thần. Người dân nghe nói cây cầu đi qua đất của phường mình nhưng chưa biết cụ thể vị trí nào và có mở rộng thêm nữa không, phương án kiến trúc ra sao, bao giờ thì di dời giải phóng mặt bằng nên cũng rất băn khoăn.

Đầu tháng 9, chúng tôi có đến UBND phường để hỏi về thông tin cầu Trần Hưng Đạo nhưng đều được trả lời chưa có thông tin chính thức bằng văn bản của cấp trên” – anh Sơn băn khoăn.

Theo thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, thành phố đã chấp thuận cho một doanh nghiệp tư nhân lập báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Về phương thức thực hiện, thành phố đang cân nhắc, có thể dự kiến phương theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thu phí…

Trước đó, thành phố Hà Nội đã đưa ra 3 phương án thiết kế cây cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng gồm: Người chủ soái; Cánh hạc bay; Xứ Đông Dương.

Công trình cầu Trần Hưng Đạo được thành phố xác định có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng nên mọi công việc liên quan đều được làm thận trọng, cân nhắc đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn tới Hà Nội sẽ có 10 cầu vượt sông Hồng được tiếp tục đầu tư xây dựng gồm: Mễ Sở, Hồng Hà, Thăng Long mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc./.

Kim Chung (TH)