Mướp đắng, món ngon thanh nhiệt giải độc

 Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua là món ăn quen thuộc của nhiều vùng miền. Đó vừa là thực phẩm, vừa là loại thuốc quý, vừa có thể làm trà giải nhiệt, vừa ăn sống cũng lại vừa dùng để chế biến nhiều món ăn ngon. Tên gọi đã nói lên hương vị.
Mướp đắng, món ngon thanh nhiệt giải độc ảnh 1

Mướp đắng… dã tật

Mướp đắng có vị đắng, chính vì thế nên nhiều người không ăn được, nhưng cũng có rất nhiều người ăn quen thành ra… nghiện luôn cái vị đắng ấy. Từ xa xưa công dụng của loại quả này đã được Đông y ghi nhận, đó là tác dụng bổ huyết, không chứa độc tố, thúc đẩy cơ chế thải độc của gan, thanh nhiệt cho cơ thể. Y học hiện đại cũng có không ít nghiên cứu chỉ ra tác dụng của mướp đắng đối với sức khỏe con người. Cụ thể, hàm lượng vitamin C trong mướp đắng cao gấp gần 20 lần dưa chuột; ăn mướp đắng sẽ giúp tăng quá trình chuyển hóa glucose, giảm cholesterol trong máu, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch…

Đối với những người đã quen ăn mướp đắng, khi chế biến không cần phải trải qua công đoạn sơ chế để giảm đắng. Với những người không ăn quen thì trước khi chế biến cần gọt bỏ phần ruột mướp, chần sơ qua nước sôi, rửa lại nhiều lần với nước lạnh. Làm vậy, vị đắng của món ăn sẽ giảm bớt đi nhiều và cũng dễ thưởng thức hơn.

Mướp đắng, món ngon thanh nhiệt giải độc ảnh 2

Cách đây khoảng hơn chục năm, không rõ nguồn cơn thế nào, đầu tiên là từ mấy hàng bia hơi vỉa hè rộ lên món nộm, lúc đó nó được gọi bằng cái tên nghe rất gợi tò mò là “cá sấu qua sông”. Nhưng thực ra thì đó là một loại mà gọi là sa lát cũng được hoặc gọi nộm cũng chẳng sai. Mướp đắng được thái mỏng, ngâm qua nước đá cho giòn, phần lòng đĩa được để rất nhiều đá lạnh, đậy bên trên là lớp màng bọc thực phẩm, trên cùng là bày mướp đắng và ruốc. Mướp đắng ngâm nước đá lạnh có độ giòn, ăn cũng ruốc mặn mặn thì hợp vị và đặc biệt là không còn đắng. Ngoài ra, cũng có thể làm nộm mướp theo kiểu thông thường. Món nộm mướp đắng bao gồm mướp đắng, ớt chuông, hành tây, tỏi, đường, xì dầu, dầu mè và dấm… Tất cả nguyên liệu sơ chế, cắt lát mỏng và trộn tất cả với nhau. Món ăn đặc biệt thích hợp cho mùa hè, những người muốn giảm cân.

Trong dân gian mướp đắng (khổ qua) luôn được người Việt sử dụng để làm thức ăn trong bữa cơm hàng ngày, ngoài ra mướp đắng còn dùng làm chè giúp thanh nhiệt. Và theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng Nhật Bản thì mướp đắng là thực phẩm trường thọ có giá trị dinh dưỡng “toàn phương vị”. Với những cách chế biến đơn giản, sẽ giúp chúng ta có một món ăn, đồ uống đơn giản.

Thông dụng nhất trong các món ăn từ mướp đắng là mướp đắng nhồi thịt. Món này ngoài mướp đắng còn có thịt nạc băm, mộc nhĩ, nấm hương (có cũng được mà không có cũng được), hạt tiêu, hành khô… Nếu để cả quả thì khía dọc thân, moi hết ruột mướp và dồn thịt đã trộn các nguyên liệu kể trên vào bên trong, nếu không có thể cắt thành từng khoanh nhỏ, dồn thịt vào bên trong ruột. Mướp đắng nhồi thịt có thể nấu thành canh, khi ăn rắc thêm hành hoa hoặc cũng có thể sốt cà chua để ăn với cơm.

Quà của thiên nhiên

Một món thông dụng khác từ mướp đắng là mướp đắng xào trứng. Mướp đắng được bỏ ruột, thái nhỏ, phi thơm hành tím đã đập dập băm nhỏ với mỡ lợn, hành thơm thì cho mướp vào đảo to lửa, rồi đập trứng và đảo đều. Nhiệt lớn làm trứng chín quện vào miếng mướp đắng. Khi xào trứng với mướp đắng, vị đắng trong mướp được giảm tối đa. Cũng là món xào từ mướp có thể xào cùng thịt bò, với tim cật lợn hoặc là xào với nấm để có món chay.

Mướp đắng, món ngon thanh nhiệt giải độc ảnh 3

Chợ Hà Nội bây giờ hầu như đều có hàng bán cá thác lác. Cá mua về cùng với hành, thìa là, chút ớt băm nhỏ, cá dẻo thì có thể nhồi vào từng khoanh mướp đã bỏ ruột rồi nấu canh. Cũng có thể thái nhỏ mướp như xào rồi nấu canh với với cá thác lác viên, khi ăn rắc thêm hành hoa. Đây là món ăn thanh mát lại bổ dưỡng. Cũng với món canh, có thể nấu canh cá quả mướp đắng.

Nguyên liệu gồm 2 – 3 quả mướp đắng, 1 con cá quả, hành lá, rau mùi, gia vị, đường, muối, hạt tiêu. Cá quả làm sạch, để ráo nước, chần sơ qua nước sôi rồi vớt ra để ráo. Mướp đắng rửa sạch, bổ đôi, bỏ ruột, cắt khúc khoảng 2 – 3cm tùy ý. Đun sôi khoảng 2 – 3 bát nước rồi cho cá quả vào hầm. Nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi cá quả đã chín mềm, cho mướp đắng vào và đun lửa vừa cho tới khi mướp đắng chín mềm. Nêm gia vị, hạt tiêu vừa ăn, sau đó bỏ hành lá, rau mùi cắt khúc là có thể tắt bếp múc ra bát.

Mướp đắng, món ngon thanh nhiệt giải độc ảnh 4

Tương tự có thể nấu mướp đắng với tôm. Nguyên liệu gồm mướp, tôm đã làm sạch bóc vỏ, giò sống cùng hành lá, rau mùi, mắm muối vừa đủ. Tôm được trộn với giò sống, tiêu, muối và hành khô. Sau đó để trong 10 phút để tôm ngấm các gia vị. Đun sôi một lượng nước vừa đủ, khi nước đã sôi cho từng thìa tôm đã trộn ướp ở trên vào nồi và tiếp tục đun to lửa để nước sôi. Đun đến khi thịt tôm chín nổi lên trên mặt nước thì thả mướp đắng vào. Tiếp tục nấu cho đến khi mướp đắng chín thì nêm nếm gia vị rồi tắt bếp. Mướp đắng còn thích hợp làm các món kho.

Mướp đắng, món ngon thanh nhiệt giải độc ảnh 5

Có thể kho cá đồng, mướp đắng với tương. Nguyên liệu gồm có cá diếc hoặc cá chép, cá trắm. Cá to thì cắt khúc, làm sạch, xếp dưới cùng một lớp thịt mỡ hoặc bì lợn, lớp mướp đắng đã làm sạch bổ dọc làm 4 xếp lớp thứ 2 rồi đến cá, thêm một lớp mướp đắng và cuối cùng là thịt ba chỉ, thêm tương bần, chút nước, mắm muối nêm vừa rồi kho nhỏ lửa trong khoảng 1-2 giờ. Cá diếc kho nhừ xương là ngon nhất. Tuy nhiên, khi đến bữa, cá bao giờ cũng hết sau mướp đắng. Nếu không kho với cá, có thể kho mướp đắng với tương, rồi cho thêm mấy giọt dầu mè sẽ rất thơm, ăn với cơm nóng, chay mặn đều dùng được.

Mướp đắng còn có thể thái mỏng, phơi khô rồi hãm nước sôi uống như uống trà. Trà mướp đắng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, rất tốt cho sức khỏe.

TH