Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Theo các quy định hiện hành, chỉ khi nào tài xế hoặc chủ phương tiện có hành vi chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT khi làm nhiệm vụ thì mới được xem là vi phạm. Còn việc họ không hợp tác, rời bỏ hiện trường sau khi vi phạm mà trước đó đã tuân thủ hiệu lệnh của CSGT (dừng xe, đưa xe đến chốt xử lý) thì không có cơ sở để xác định họ có hành vi vi phạm.

Tại khoản 6, điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức VPHC thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu không có giấy tờ nói trên thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC…

Như vậy, trường hợp vi phạm GT phải xử phạt tiền mà tại thời điểm đó không có mặt người vi phạm, CSGT có quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện. Trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 2 người làm chứng. Đối với phương tiện GT bị tạm giữ cần phải niêm phong nhưng không có chủ phương tiện thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến. Khi phương tiện bị tạm giữ, ngoài việc bị xử lý theo quy định, chủ phương tiện còn phải chịu mọi khoản phí cho việc cẩu, kéo phương tiện về nơi tạm giữ.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt VPHC GT đường bộ, đường sắt, nếu sau khi bị dừng xe mà CSGT có yêu cầu người điều khiển xe kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy nhưng họ không chấp hành mà bỏ đi khỏi hiện trường thì CSGT cũng có quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện. Theo khoản 9, điều 5 Nghị định 46/2016, hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn hoặc kiểm tra về chất ma túy có thể bị xử phạt từ 16-18 triệu đồng

Theo người lao động