Tiền lương của công nhân có những điểm gì cần lưu ý?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương được trả cho người lao động không được phép thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP (phân thành 4 vùng). Đây là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, căn cứ theo địa bàn hoạt động của doanh nghiệp tại mỗi vùng).
– Mức 4.420.000 đồng/tháng (vùng I)
– Mức 3.920.000 đồng/tháng ( vùng II).
– Mức 3.430.000 đồng/tháng ( vùng III).
– Mức 3.070.000 đồng/tháng (vùng IV).
Mức lương tối thiểu được pháp luật qui định và luôn khuyến khích doanh nghiệp trả lương cho người lao động ở mức cao hơn.
Hiện có các hình thức trả lương cho người lao động bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. (khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019).
Tiền lương hàng tháng của công nhân, người lao động sẽ phải trừ các khoản sau: Tiền đóng bảo hiểm xã hội; Tiền đoàn phí nếu công nhân tham gia công đoàn; Tiền thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Một điểm quan trọng nữa, theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì phép chậm lương nhưng không quá 30 ngày. Nếu chậm lương từ 15 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm tiền lãi của số tiền lương chưa trả theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương./.
PV