Trẻ bị sâu răng sữa có ảnh hưởng đến phát âm không?

Trẻ bị sâu răng sữa không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau mà còn gây trở ngại đến phát âm. Mẹ nên làm gì để bảo vệ răng sữa cho bé?

Trẻ bị sâu răng sữa có thể tạo thành những ảnh hưởng bất lợi thế nào mà mẹ cần biết để phòng ngừa?Ảnh hưởng đến mỹ quan và tâm lý

Khi trẻ đến một độ tuổi nhất định và có khái niệm tổng quát về thẩm mỹ cũng như cách nhìn nhận của người xung quanh thì việc trẻ bị sâu răng sữa sẽ gây tâm lý tiêu cực. Đặc biệt là khi trẻ cười nói, để lộ những chiếc răng bị đen, thủng lỗ do sâu mà người lớn vô ý trêu chọc, cười đùa sẽ tổn thương tự trọng của trẻ.

Đừng tưởng chuyện này là không quan trọng, nếu tình trạng kéo dài nhiều ngày nhiều tháng sẽ tạo thành bóng ma tâm lý, khiến trẻ mất đi sự tự tin vốn có, trở nên ngại giao tiếp, khép mình lại và dễ bị tủi thân, thậm chí là trầm cảm.

Ảnh hưởng đến phát âm

Răng sữa của trẻ nếu bị sâu, sứt mẻ hơn rụng mất thì chỗ khiếm khuyết này dễ làm cho khả năng nhai của trẻ gặp khó khăn, đồng thời cách phát âm và quá trình tập nói cũng không thể chuẩn xác. Mẹ nên kịp thời giúp trẻ cải thiện sức khỏe răng miệng để không ảnh hưởng vấn đề giao tiếp về sau.

Ảnh hưởng đến sức khỏe cơ quan tiêu hóa

Tuy răng sữa cũng sẽ sớm được thay bằng răng vĩnh viễn nhưng một khi nó bị rụng, chỗ nướu bị mất răng sẽ ảnh hưởng chức năng nhai nuốt của trẻ. Tình trạng này làm cho trẻ bắt đầu ăn dặm bị hạn chế cảm giác ngon miệng, dễ biếng ăn. Đồng thời, thức ăn không được nghiền nát đầy đủ cũng ảnh hưởng sức khỏe dạ dày, đường ruột.

Ảnh hưởng đến quá trình mọc lại của răng vĩnh viễn

Trẻ bị sâu răng sữa ít nhiều vẫn sinh ra phản ứng khó chịu. Người lớn nếu không chú ý và sớm xử lý đúng cách thì khi trẻ mọc răng trưởng thành cũng dễ bị viêm tủy, viêm nha chu. Răng vĩnh viễn khi trẻ trưởng thành trở nên yếu ớt, dễ viêm và cũng dễ bị sâu răng, rụng răng.

Bố mẹ nên làm gì để bảo vệ răng sữa cho con?Tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng từ nhỏ

Đầu tiên, người lớn trong nhà cần làm gương trong vấn đề vệ sinh và chăm sóc răng miệng để thuận lợi hơn khi giáo dục trẻ thói quen này. Mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn trẻ cách súc miệng, chải răng cho phù hợp.

Ngoài ra, bạn cũng cần lựa chọn loại bàn chải và kem đánh răng dành cho trẻ em để tránh những tổn thương không đáng có đối với những chiếc răng sữa của trẻ. Nếu trẻ còn quá nhỏ, không thể tự thao tác thì phụ huynh có thể giúp đỡ.

Hạn chế thói quen cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt

Các món ăn ngọt luôn hấp dẫn trẻ con, nhưng thành phần đường cũng như nhiều chất hóa học trong đó không phải là lựa chọn lý tưởng cho sức khỏe của trẻ. Mẹ không nên nuông chiều con cái mà vô tư cho trẻ ăn uống theo sở thích.

Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ cho trẻ

Răng sữa tuy sẽ còn thay đổi nhưng mẹ vẫn cần chăm sóc tốt để không ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe của bé. Thông thường, mỗi 3 hoặc 6 tháng bạn nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ, thói quen này giúp sớm phát hiện các vấn đề răng miệng và xử lý kịp thời.

Chú ý quan sát hơi thở của trẻ

Nếu trẻ thường xuyên thở bằng miệng lâu ngày cũng gây ảnh hưởng cho răng nướu. Quan trọng hơn, đây còn có thể là tín hiệu cảnh báo trẻ đang có vấn đề về sức khỏe đường hô hấp. Mẹ nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra tìm ra nguyên nhân cụ thể và điều trị đúng cách.

Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ có đủ kiến thức để hạn chế tình trạng trẻ bị sâu răng sữa cũng như bảo vệ sức khỏe của trẻ tốt hơn.

Kim Chung (Theo Familydoctor)