Vị thuốc chi tử là gì?
1. Vị thuốc chi tử là gì?
Vị thuốc chi tử là quả chín phơi khô của cây dành dành có tên khoa học là Fructus gardeniae hoặc Gardenia jasminoides.
Chi tử thường xuyên sử dụng không chỉ như một chất tạo màu tự nhiên tuyệt vời, mà còn là một vị thuốc cổ truyền quan trọng trong việc điều trị các chứng bệnh khác nhau như khử hỏa trừ uất, trừ đàm, thanh nhiệt tà, đồng thời làm mát huyết tiêu ứ giúp hoạt huyết thông kinh.
2. Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc chi tử
Trong đông y, chi tử là vị thuốc có vị đắng tính hàn chuyên dùng trong các bài thuốc tả hỏa ở tâm, phế và tam tiêu. Chi tử được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc trị chứng đau ngực, sốt cao, bí tiểu, tiểu máu, các bệnh lý viêm gan virus… Ngoài ra chi tử cũng được các thầy thuốc kê đơn trong điều trị bệnh viêm dạ dày, các chứng bệnh dạ dày do hỏa nhiệt.
Ngày nay y học hiện đại đã tiến hành nhiều nghiên cứu về khả năng điều trị bệnh của chi tử. Sau khi thống kê kết quả của các nghiên cứu thấy có khoảng 162 hợp chất hóa học đã được phân lập và xác định từ loại thảo mộc này. Trong số đó, iridoid glycoside và sắc tố vàng thường được coi là thành phần đặc trưng và hoạt tính sinh học chính. Các đặc tính dược lý khác nhau, chẳng hạn như tác dụng có lợi trên hệ thần kinh, tim mạch và tiêu hóa, hoạt động bảo vệ gan, hoạt động chống trầm cảm và hoạt động chống viêm.
2.1. Hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch
Theo y học cổ truyền Chi tử sắc đỏ nhập tâm, tả tâm hỏa, trị chứng tâm thống (đau ngực). Hiện nhiều nghiên cứu của y học hiện đại cũng chứng minh công dụng này của chi tử
- Các chuyên gia của Đại học Wonkwang – Hàn Quốc (2010). Nghiên cứu cho thấy vai trò chống viêm của chi tử có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa các bệnh mạch máu, chẳng hạn như xơ vữa động mạch
- Đại học Kyung Hee – Hàn Quốc (2005): Crocin trong chi tử có tác dụng hạ lipid máu
- Đại học Giang Tây (2012): geniposide và aglycone genipin của nó có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống ngưng tập tiểu cầu. Chi tử và thành phần geniposide, genipin cho thấy cải thiện tình trạng huyết khối, tắc mạch
- Nghiên cứu của Đại học Kobe Gakuin – Nhật Bản (2014) : hoạt chất crocetin trong chi tử có tác dụng hạ huyết áp và chống huyết khối
2.2. Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày và các tổn thương dạ dày do acid và vi khuẩn Hp
heo y học cổ truyền, chi tử thanh vị chỉ thống được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc điều trị bệnh dạ dày
- Nghiên cứu của viện nghiên cứu tài nguyên thực vật – Đại học Duksung – Hàn Quốc (2008): Chiết xuất từ Chi tử và các thành phần của nó như axit ursolic và genipin có khả năng trung hòa axit, các hoạt động chống oxy hóa và tác dụng ức chế sự phát triển của Helicobacter pylori ( H. pylori). Ngoài ra, chúng còn có hoạt tính gây độc tế bào chống lại tế bào ung thư dạ dày AGS và SUN638 ở người. Genipin và axit ursolic ức chế các tổn thương dạ dày đáng kể do HCl / ethanol gây ra. Nghiên cứu này có thể gợi ý rằng genipin và axit ursolic trong chi tử có thể hữu ích cho việc điều trị và / hoặc bảo vệ bệnh viêm dạ dày.
- Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải (2016): genipin, gentiobioside và gardenoside được tách chiết từ chi tử có tác dụng đáng kể đối với tổn thương dạ dày. Nó vừa làm giảm diện tích tổn thương dạ dày vừa giảm thể tích bài tiết dịch vị.
2.3. Chi tử có tác dụng an thần, chống trầm cảm
- Nghiên cứu của Đại học Kansai – Nhật Bản (2010): Crocetin là một hợp chất carotenoid có hoạt tính dược lý của Chi tử. Khi cho người có phàn nàn về chất lượng giấc ngủ sử dụng crocetin nhận thấy số lần tỉnh giấc lúc ngủ đã giảm so với giả dược. Crocetin có xu hướng cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Nghiên cứu của Đại học Y khoa Nam Kinh (2015) cho thấy Chi tử có tác dụng chống trầm cảm nhanh chóng
2.4. Chi tử ứng dụng trong điều trị các bệnh lý gan – mật
- Đại học British Columbia + Đại học Quốc gia Chonnam – 2004: Nghiên cứu này đã chứng minh tác dụng chống oxy hóa và chống apoptotic của glycoprotein có trong chi tử. Nó được sử dụng để chữa lành các bệnh về gan và tổn thương do viêm trong y học dân gian.
- Đại học Sungkyunkwan – 2010: genipin có trong chi tử làm giảm rõ rệt sự gia tăng hoạt động của aminotransferase huyết thanh và quá trình peroxy hoá lipid. Kết quả này cho thấy genipin cung cấp khả năng bảo vệ gan rõ rệt.
3. Một số lưu ý khi sử dụng chi tử
Mặc dù chi tử được dùng khá phổ biến tuy nhiên nó có tính hàn và tả hỏa mạnh vì vậy nếu không phải các chứng bệnh không liên quan đến nhiệt thì không được dùng. Chi tử không dùng cho người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng.
Cho dù chi tử vẫn được ứng dụng trong thực phẩm, tạo màu nhưng nếu bạn dùng nó với mục đích điều trị bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ chuyên khoa.
Mai Anh-th