Vườn cò Hải Lựu
Vườn cò Hải Lựu thuộc thôn Dừa Lễ, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 110 km.
Khu vực này được bao bọc bởi dòng sông Lô hiền hòa, êm ả. Đây là một khu sinh thái còn sót lại trên nền rừng Hải Lựu.
Đây là vùng đất lành với rất nhiều chim, cò về làm tổ sinh sống từ năm 1958. Vườn cò Hải Lựu có diện tích rộng lên tới 15 ha, trong đó có đến 7 ha là nơi chim, cò có thể bay về sinh sống. Nhiệt độ hàng năm của vườn cò Hải Lựu thay đổi theo mùa, trong đó nhiệt độ trung bình là 28 độ C và lượng mưa trung bình hàng năm là 1.650 mm.
Từ lâu, vườn cò Hải Lựu được xem là nguồn tài nguyên động thực vật quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây tập trung nhiều loài chim, cò quý hiếm như cò ruồi, cò lửa, cò xanh… cùng nhiều loài thực vật quý như tre, trám, xoan,… và một số loài gỗ còn sót lại. Trong đó, tre là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loài cò khi tìm về đây làm tổ nhất. Và từ lâu Vườn cò Hải Lựu trở thành điểm du lịch ở Vĩnh Phúc rất lý thú để du khách có thể tham quan, khám phá.
Đến vườn cò Hải Lựu, những mùa chim làm tổ sinh sản, du khách sẽ bắt gặp nhiều loài chim quý đang được bảo tồn tại đây. Mỗi khi chiều về, từng đàn cò trắng hàng nghìn con bay rợp kín cả một vùng trời, gọi nhau tìm về tổ.
Cảnh đẹp thơ mộng tại Vườn cò Hải Lựu.
Ở đây, du khách có thể nhìn ngắm khung cảnh thanh bình, nơi con người cùng sự vật hiền hòa, sống chung với nhau không phải nơi nào cũng có được.
Ngoài ra, khi đến với vườn cò Hải Lựu chúng ta có thể gặp những người nông dân nơi đây, với tình yêu dành cho thiên nhiên, dành cho chim.
Không chỉ có nguồn tài nguyên động, thực vật quan trọng và hấp dẫn, khu du lịch vườn cò Hải Lựu còn có ý nghĩa và giá trị về mặt khoa học trong hệ sinh thái rừng thấp được bao bọc bởi các con sông với chức năng luân chuyển năng lượng và chất dinh dưỡng của môi trường và có ý nghĩa to lớn về sự gìn giữ và phát triển rừng.
Những năm vừa qua, do người dân không có ý thức bảo vệ rừng nên nguồn thức ăn trong vùng giảm mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động săn bắn vẫn tiếp diễn, kinh phí không nhiều nên việc bảo vệ, phát triển vườn chim chủ yếu là bằng kinh nghiệm nông dân, thiếu sự tham gia của khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc chim non và nghiên cứu đặc tính sinh sống của các loài chim. Vì thế, sự phát triển chỉ mang tính duy trì bảo tồn nên làm giảm đáng kể hệ sinh thái trong vườn. Ngoài ra hoạt động kinh tế chưa được quy hoạch, quản lý đầy đủ, diện tích ao hồ cũng như nhiều cánh đồng ngập nước vốn là khu vực kiếm ăn của các loài chim bị thu hẹp gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của các loài chim.
Hiện nay đã có quy hoạch tổng thể khu du lịch vườn cò nhằm đánh giá cụ thể tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm sinh thái của khu vườn cò và xung quanh vườn cò. Xác định thời gian tập trung số lượng và biến động số lượng các loài chim trong mùa sinh sản và tập tính kiếm ăn để bố trí các loại hình du lịch hợp lý.
Thống kê, đánh giá thành phần thực vật trong vườn được chim chọn làm tổ để có những biện pháp phát triển rừng. Nghiên cứu đặc tính sinh lý của các loài chim và tập tính kiếm ăn của các loài chim để có biện pháp đào ao, hệ thống kênh mương tạo ra vùng sinh thái ngập nước thường xuyên để tôm cá sinh sôi làm mồi cho chim và tạo ra một môi trường sống hoang sơ như chính cuộc sống vốn có của loài chim.
Hỗ trợ về kinh nghiệm, kinh phí cho chủ vườn trong việc chăm sóc chim non bị thương do rơi xuống đất vì gió bão và chim già bị mắc câu do hoạt động săn bắn. Xây dựng một vùng đệm quanh vườn cò, đảm bảo khoảng cách an toàn cho việc sinh sống của hệ động thực vật trong vườn.
Anh Quang