Cuộc chơi điện ảnh ngày càng đắt đỏ
Số lượng phim điện ảnh Việt có vốn đầu tư lớn xuất hiện ngày càng nhiều, mở ra một thời kỳ mới với những tác phẩm chỉn chu, tâm huyết.
Những con số ấn tượng
Phim “Em và Trịnh” do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn đã đóng máy vào cuối tháng 3-2021. Nhà sản xuất cho biết mức đầu tư của phim “kể lại cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” này đã cán mốc 50 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với dự kiến.
Một bối cảnh phục dựng ở Huế trong phim “Em và Trịnh”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Một bối cảnh phục dựng ở Đà Lạt trong phim “Em và Trịnh”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Nguyên nhân khiến chi phí “Em và Trịnh” cao một phần là do điều kiện khách quan, như quay giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vướng phải bão lũ… nhưng phần lớn là vì phim phải phục dựng bối cảnh Huế những năm 1960 và bối cảnh TP HCM những năm 1990.
Trước đó, Ngô Thanh Vân cũng từng gây chú ý khi cho biết dự án phim “Thanh Sói” đã ngốn gấp đôi chi phí đầu tư so với phim “Hai Phượng”. Phim “Hai Phượng” chi phí đầu tư 23 tỉ đồng, gấp đôi thì đã 46 tỉ đồng và vẫn chưa phải là con số cuối cùng.
Có vốn đầu tư cao không kém là phim “Trạng Tí” với 43 tỉ đồng. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng vì còn một số chi phí khác. Theo nhà sản xuất, phim này tốn kém như thế là vì phải đầu tư xây dựng một ngôi làng và chăm chút kỹ xảo.
Các phim được đầu tư “khủng” còn có “Sám hối” – được nhà sản xuất công bố chi phí 50 tỉ đồng. Những yếu tố khiến chi phí phim này cao là nhiều đại cảnh, toàn bộ hậu kỳ được thực hiện tại Ấn Độ. Phim “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” được hé lộ có chi phí lên đến 46 tỉ đồng để xây dựng bối cảnh, cùng nhiều khoản khác.
Phim “Kiều” do Mai Thu Huyền đạo diễn cũng được cô cho biết mức đầu tư cao gấp 2 – 3 lần các phim bình thường, bởi nặng phần di chuyển của cả đoàn phim trải dài từ Bắc đến Nam, xây dựng bối cảnh, trang phục. Để hòa vốn thì phim này cần phải đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng.
Dù chưa công bố con số chính xác nhưng “Lật mặt: 48H” của Lý Hải cũng được nhận định là một dự án phim vốn đầu tư cao. Phim này cũng có chi phí phục dựng và những đại cảnh hành động mà nhà sản xuất công bố là tiêu tốn hàng tỉ đồng.
Số lượng phim Việt cán mốc doanh thu 100 tỉ đồng hiện đã không còn là sự hiếm lạ nhưng cũng không phải dễ dàng đạt được. Các phim có vốn đầu tư cao luôn đối mặt với sự mạo hiểm lớn trong bài toán doanh thu của mình.
“Thị trường nếu không có sự đa dạng thì rất dễ dẫn đến nhàm chán cho khán giả và cũng không phát triển được. Sự đa dạng đó là ở thể loại từ tình cảm, hành động, hình sự, trinh thám, kinh dị… cho đến những trải nghiệm điện ảnh thực sự với những tác phẩm đầu tư lớn về nội dung, ê-kíp sản xuất, bối cảnh, kỹ thuật quay… Nhà làm phim không thể chỉ loay hoay mãi với đề tài nhỏ gọn, quy mô đơn giản mà đến lúc nào đó, họ cũng muốn có được những sản phẩm điện ảnh đúng nghĩa, những sản phẩm lớn định vị tên tuổi. Để có được những tác phẩm như thế thì buộc chi phí đầu tư không thể thấp” – đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn nhận định.
Sự mạo hiểm cần thiết
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng nhận định: “Con số đầu tư cho các bộ phim điện ảnh ở các nước trong khu vực đã lên đến hàng triệu USD. Tại Việt Nam, tôi thấy dưới 20 tỉ đồng không đủ làm phim chất lượng. Nếu muốn đưa điện ảnh Việt đi xa thì bắt buộc phải đầu tư lớn”.
Đề tài về tình cảm gia đình tuy không nhiều cảnh hành động mạo hiểm cần tốn thêm chi phí như các phim thể loại hành động nhưng vốn đầu tư cũng không thể dưới 20 tỉ đồng. Chẳng hạn trường hợp “Bố già” của Trấn Thành, vốn đầu tư là 23 tỉ đồng dù phim không đòi hỏi nhiều kỹ xảo tốn kém.
Đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn nhận định phim có vốn đầu tư cao nở rộ là sự phát triển tất yếu của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, nhà làm phim buộc phải chấp nhận mạo hiểm như một sự cần thiết nhằm mang đến trải nghiệm điện ảnh khác biệt.
Tuy nhiên, phim có vốn đầu tư lớn phải gắn liền với chất lượng đúng nghĩa thì mới kỳ vọng tạo dấu ấn doanh thu. Nếu phần đầu tư chỉ chú tâm vào bối cảnh, kỹ xảo, những đại cảnh hành động mà xem nhẹ nội dung, không tạo được cảm xúc đến với khán giả thì chẳng thể thành công.
“Các nhà làm phim tăng cao chi phí đầu tư để nâng chất lượng là điều cần thiết. Song, phim chi phí đầu tư cao cũng chưa hẳn ăn khách bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, nhất là kịch bản. Câu chuyện được kể trong phim không đủ chinh phục khán giả, tạo hiệu ứng truyền miệng thì rất khó để thắng doanh thu” – biên kịch Đông Hoa nhìn nhận.
Thực tế đã chứng minh cho nhận định trên. Những phim có vốn đầu tư cao vừa qua như “Sám hối”, “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” đều đạt doanh thu không như kỳ vọng, thua lỗ là tất yếu bởi chưa thuyết phục về kịch bản, chưa tạo được cảm xúc chạm đến trái tim khán giả. Phim “Kiều” hiện tại doanh thu cũng không khả quan.
Nhà báo Cát Vũ nhấn mạnh: “Sự đa dạng thể loại là cần thiết để tạo ra nhiều món ăn cho khán giả nhưng không nên quá đao to búa lớn, chọn những chủ đề quá khó, tốn kém hay kỹ xảo hoành tráng bởi những cái này phim Hollywood đã đáp ứng tốt nhu cầu của khán giả. Nhà làm phim Việt cần đầu tư nhiều cho kịch bản, cách kể câu chuyện tạo cảm xúc cho người xem”.