TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI DỄ ‘MẮC BẪY’ KHI ĐẦU TƯ LAN ĐỘT BIẾN?
Mới đây một chủ vườn lan đột biến Hà Thanh ở xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) “ôm” 200 tỷ đồng tiền đặt cọc của người mua rồi mất tích.
Việc mua bán lan đột biến với giá hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng đang diễn ra ngày một nhiều và tạo thành “cơn sốt” ở nhiều địa phương. Trong khi đó giao dịch lan đột biến đang bộc lộ nhiều kẽ hở, dễ dẫn đến rủi ro, lừa đảo.
Kẽ hở trong giao dịch
Theo tìm hiểu, hiện nay các hoạt động mua bán, giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến diễn ra chủ yếu trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Đáng nói việc mua bán lan đột biến lên đến hàng chục, trăm tỷ chủ yếu chỉ dựa vào niềm tin, uy tín và không có cơ sở pháp lý nào ràng buộc.
Cụ thể, khi một chủ vườn livestream đăng bán, đấu giá hình ảnh cây lan đột biến trên mạng xã hội, nếu người mua ưng ý sẽ chốt giá, đặt cọc và chuyển tiền qua tài khoản. Khi nhận được cây, khách hàng sẽ thanh toán hết số tiền còn lại. Thông thường, giá bán do chính chủ vườn đưa ra dựa trên độ “hot” của loại lan đột biến đó.
“Người mua và người bán thường không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan đột biến mà đa số chỉ có thoả thuận bằng miệng, uy tín của người bán”, ông Trọng Đức, một người chơi lan lâu năm ở Hà Tĩnh chia sẻ.
Việc đặt mua kie “lúa non” (nhận tiền trước và hẹn thời gian trả hàng) thường được viết tay một cách đơn giản. Ảnh: Nguyen Hong.
Theo ông, nhiều người còn tạo dựng tên tuổi bằng cách thuê đất, thuê nhà dựng vườn lan hoành tráng, thường xuyên đăng hình ảnh giao lưu, trao đổi với những người “nổi tiếng” trong cộng đồng chơi lan.
Thậm chí họ còn nghĩ ra cách tổ chức những cuộc chuyển nhượng với những cọc tiền mặt xếp chồng nhau để thu hút sự chú ý. “Cả người mua, và người bán không hề có ý định tập trung vào giá trị của lan đột biến, hay cảm nhận cá nhân, đam mê về loài hoa này mà chỉ có mục đích thổi phồng giá trị”, ông chia sẻ.
Với thủ đoạn này, nhiều người cảm thấy hấp dẫn và bị cuốn vào “vòng xoáy” đầu tư, hòng kiếm lời. Hiện trên các hội nhóm chơi lan, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn người gặp phải tình trạng “dở khóc dở cười” vì đổ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng nhưng lại mua phải cây lan đột biến giả, không đúng mặt hoa.
“Anh em ai mua lan ở vườn này thì chắc chắn bị sai cây, gửi cho mình 3 lần vẫn sai rồi chặn tài khoản mình luôn”, một tài khoản tên Hưng Tuấn đăng bài cảnh báo trong nhóm cộng đồng người chơi lan. Hay một tài khoản khác thắc mắc: “Nhờ mọi người xem giúp mình kie Hiển Oanh mua của vườn lan var Bảo Nam, cây lên mầm tím thì có phải mình bị lừa không”.
Theo giới chơi lan, do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch. Và thực tế mới đây một người đàn ông ở Vĩnh Phúc phải đứng trên bờ vực vỡ nợ gần 10 tỷ đồng vì bị 4 chủ vườn lan đột biến lừa đảo. Thậm chí, để chắc chắn, người đàn ông này còn trực tiếp đến các vườn để xem và bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua các giống hoa lan đột biến. Tuy nhiên, anh vẫn bị lừa khi người bán giao hoa bình thường.
Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch. Ảnh: Chính Trương.
Bài học từ “bong bóng” củ hoa tulip
Sự phát triển ồ ạt đến mức vô lý cùng sự thổi phồng giá trị cây của giới chơi lan đột biến khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện hoa tulip tại Hà Lan.
Đầu thế kỷ XVII, tại Hà Lan, hoa tulip tượng trưng cho địa vị và quyền lực. Do đó, loài hoa này rất có giá, khiến củ hoa, vốn được sử dụng để làm giống trồng hoa tulip, cũng có giá trị theo.
Trong cơn sốt, một củ hoa tulip có giá lên đến 100.000 USD (tính theo giá quy đổi hiện tại) và bỗng trở thành vật quy đổi ngang bằng với mọi thứ, từ một cỗ xe kéo, một đôi ngựa, hàng chục tấn lúa mạch, rồi đỉnh điểm là giá gấp hơn 10 lần thu nhập hàng năm của một thợ thủ công lành nghề.
Tuy nhiên, đến một thời điểm, củ tulip được trồng ngày càng nhiều, lượng củ tulip đổ ra thị trường tăng vọt. Khi người sở hữu củ tulip nhận ra không có ai đảm bảo cho giá trị của tulip mà họ đang giữ, họ muốn bán chúng đi càng sớm càng tốt, gây ra hiện tượng bốc hơi hoàn toàn giá trị.
Giá củ hoa rơi thẳng đứng chỉ còn 1% giá trị, nhà buôn giàu có bống chốc như thành kẻ ăn mày. Nền kinh tế Hà Lan chìm trong khủng hoảng tới nhiều năm sau đó.
Bài học từ bong bóng củ hoa tulip là lời cảnh tỉnh cho những giao dịch tiền tỷ lan đột biến tại nước ta hiện nay. Dù không biết trước việc sụp đổ hoàn toàn như củ tulip có xảy ra với lan đột biến hay không nhưng những người mới đầu tư vẫn nên tiếp cận với loại cây hoa này một cách cẩn trọng. Đồng thời phải có sự tỉnh táo, nhìn nhận thị trường và mức độ rủi ro mà mình có thể gặp phải.
Giá hoa tulip từ năm 1636-1637. Ảnh: Fintechtimes.
Trở lại câu chuyện lan đột biến, hiện cơ quan chức năng nhiều địa phương, tỉnh thành đã tích cực tuyên truyền về cơn sốt kinh doanh loại lan này. Đồng thời, siết chặt việc quản lý việc trồng, nhân giống hay giao dịch lan trên địa bàn để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Theo nhiều người trong giới chơi lan đột biến lâu năm, đầu tư, làm giàu từ lan đột biến không phải là điều đơn giản. Mua lan đột biến để đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như cây bệnh chết, sai hoa (mua phải cây lừa đảo) hay lan rớt giá.
Anh Hà, chủ một vườn lan ở Bắc Ninh chia sẻ người mới chơi nên tìm đầu tư những bông hoa đẹp đã có bề dày về sự ổn định giá như: 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, Hồng xoè… và nên đầu tư vừa phải trong khả năng, vừa chơi vừa tích lũy kinh nghiệm, quan hệ, uy tín.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo: “Những cây lan đột biến đang rao bán, chưa hẳn đã là lan có biến dị đột biến (di truyền được), mà còn chứa cả những biến dị thường biến (không di truyền được)”.
Do vậy, ông nhấn mạnh người mua kie lan đột biến về trồng, phải yêu cầu bên bán có hợp đồng bảo lãnh giống chặt chẽ, cũng không nên xuống tiền bằng mọi giá, chỉ để sở hữu một mầm lan khác lạ, mà chắc chắn sau một thời gian có thể sẽ bão hòa.
Thanh Thương