Lo ngại vì số ca mắc tay chân miệng tăng
Đến thời điểm hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 125 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Dù bệnh gặp quanh năm song thống kê cho thấy số ca mắc thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS.BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 125 bệnh nhi tay chân miệng.
Chuyên gia cho hay, dù không ghi nhận ca biến chứng nặng, nhưng số ca mắc năm 2021 đã có sự tăng đột biến so với hai năm trước. Cùng kỳ năm 2019, Trung tâm tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh; năm 2020, con số này là 19-20 ca và năm 2021 hiện đang là 125 ca.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM hiện đang tiếp nhận điều trị hơn 40 bệnh nhi tay chân miệng các cấp độ. Số lượng bệnh nhi mắc bệnh này đang tăng lên từng ngày.
Một số trẻ cũng đã gặp các biến chứng thần kinh tim mạch. Đặc biệt, có trẻ có diễn biến bệnh rất nhanh dù ban đầu chỉ nổi nốt ban nhỏ.
Trong khi đó, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, từ đầu năm đến tháng 4/ 2021, số ca mắc tay chân miệng trên toàn thành phố là hơn 212 ca, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 là 92 ca. Chỉ tính riêng trong ba tuần cuối tháng 3/2021, toàn Thành phố ghi nhận 68 ca.
Trên phạm vi cả nước, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến ngày 7/4, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).
So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng bốn lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Do bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc, giọt bắn và lây từ người sang người. Vì vậy điều kiện khí hậu, môi trường tập trung đông người, thói quen vệ sinh là yếu tố làm cho lây bệnh.
Để phòng bệnh tay chân miệng, theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, người dân phải bảo đảm giữ khoảng cách, giữ thói quen vệ sinh tay, đồ chơi của trẻ phải giữ sạch để tránh tình trạng lây chéo.
Chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm dễ tiêu, bảo đảm dinh dưỡng để tăng cường cho trẻ.
“Cha mẹ cần vệ sinh thân thể hàng ngày cho bé, khi tắm tránh gió lùa. Với những vết trong họng phải cho trẻ xúc miệng theo hướng dẫn và bôi thuốc giảm đau”, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em nêu.
Trong điều trị tay chân miệng TS.BS Lâm đã chỉ ra một số sai lầm của phụ huynh trong theo dõi và điều trị.
Theo đó, khi thấy con không đáp ứng hạ sốt một số phụ huynh liền tăng liều cho con. “Đây là điều rất nguy hiểm có thể dẫn tới ngộ độc, tổn thương gan vì thuốc hạ sốt phải điều trị đúng liều và cách sáu giờ mới dùng thuốc lại một lần”, chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.
Được biết tại cơ sở cũng từng tiếp nhận trường hợp trẻ không đáp ứng hạ sốt, cha mẹ sốt ruột dùng thêm liều hạ sốt khác, dẫn tới quá liều lượng gây ra tình trạng trẻ bị ngộ độc paracetamol, dẫn tới tổn thương gan nặng nề.
Mặc dù tỷ lệ trẻ bị tổn thương não do tay chân miệng không quá cao nhưng nếu trẻ bị biến chứng nặng do chậm điều trị, sẽ gây ra tổn thương thân não, để lại di chứng nặng như viêm não, tim mạch, phù phổi cấp…
Ở thể tối cấp, bệnh có thể gây ra tình trạng nặng cho bệnh nhi và tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời. Do vậy các bậc phụ huynh khi thấy dấu hiệu tăng nặng của trẻ nên kịp thời đưa trẻ vào các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Để phòng chống dịch tay chân miêng, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
D.Ngân