Bộ GD&ĐT lên tiếng việc các trường tăng học phí

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, trích một phần học phí để hỗ trợ sinh viên khó khăn.

Thời gian gần đây, nhiều đại học đưa ra mức học phí năm học 2021-2022 đối với sinh viên khóa mới. Do trường thực hiện tự chủ tài chính, mức thu tăng vọt, thậm chí gấp đôi so với học phí hiện tại. Điều này khiến không ít người, đặc biệt các thí sinh lo lắng.

Trước băn khoăn của dư luận, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD&ĐT, cho biết các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

cac truong tang hoc phi anh 1

ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nằm trong số những trường tăng học phí gấp đôi. Ảnh: PNT.

Các trường phải giải trình chi phí đào tạo, mức học phí

Nghị định số 86 đã quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Mức tăng học phí bình quân 10%/năm.

Các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện đổi mới thí điểm cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP thì thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.

Tuy nhiên, lãnh đạo vụ nhấn mạnh tất cả cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, theo quy định, các trường đại học có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

“Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa”, lãnh đạo vụ nhấn mạnh.

cac truong tang hoc phi anh 2

Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86, bổ sung đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm học phí. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.

Thu học phí tương xứng chất lượng đào tạo

Vụ Kế hoạch – Tài chính thông tin thêm từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân. Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Dự thảo cũng mở rộng đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.

Ngoài ra, nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở GD&ĐT công lập.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD&Đ.

Dự thảo Nghị định quy định các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần Nhà nước quy định. Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.

Các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86, bên cạnh việc giữ nguyên các quy định tự chủ quyết định mức thu học phí và về công khai mức thu học phí của các trường dân lập, tư thục, bộ bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với xã hội về chất lượng giáo dục đào tạo phải tương xứng với mức thu học phí.

Bộ cũng dự thảo quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 15% đối với đào tạo đại học. Riêng mức thu học phí năm học 2021-2022 không được vượt quá mức thu học phí năm học 2020-2021 đã thu do cơ sở đào tạo quy định.

Bộ đã ra các công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu. Bộ đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí (nếu có) đảm bảo đúng định mức kinh tế – kỹ thuật tại Thông tư số 14 và các quy định hiện hành, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127.

Nguyễn Sương