Vì sao thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội quý I tăng đến 40%?
Trong báo cáo tổng quan bất động sản quý I, Savills Việt Nam chỉ ra thị trường văn phòng Hà Nội hoạt động ổn định, phân khúc hạng A có tăng trưởng nguồn cung lớn nhất theo năm với 24%. Và 33 USD/m2/tháng là giá thuê trung bình cho phân khúc này.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, cho biết dù dịch Covid-19, Savills vẫn ghi nhận số lượng giao dịch của các tòa nhà văn phòng trong năm 2020 và quý I/2021 cao đến 40% so với cùng thời điểm năm 2019.
Đặc biệt từ quý IV/2020 đến nay, diện tích thuê trung bình của thị trường đã tăng nhiều. Trước đây, Hà Nội chỉ ghi nhận những diện tích thuê trung bình 300-500 m2/giao dịch, gần đây, các tòa nhà mới có chất lượng tốt và giá thuê hợp lý hơn nên các công ty có xu hướng gom hết các văn phòng về tập trung. Kết quả là số lượng các giao dịch mặt bằng văn phòng trên 1.000 m2 tăng lên.
Giá thuê trung bình hạng A tại khu vực Ba Đình và Hoàn Kiếm giá thuê có thể đạt đến 40 USD/m2 (đã bao gồm phí dịch vụ), trong khi tại Tây Hà Nội chỉ 20-25 USD/m2.
Một loạt văn phòng hạng A tại Hà Nội được ra mắt trong thời gian qua. Ảnh: Việt Linh.
Trong khi đó, tại TP.HCM, nguồn cung văn phòng hạng A tập trung chủ yếu ở quận 1 hoặc ngay sát quận 3, giá thuê trung bình có thể đạt mức 50 USD/m2. Giá thuê văn phòng tại Hà Nội đang thấp hơn so với TP.HCM và các TP khác trong khu vực, đặc biệt trong phân khúc hạng A.
Theo bà Nguyệt Minh, giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội và TP.HCM đều phụ thuộc vào nguồn cung tương lai của thị trường hơn là vấn đề liên quan tới Covid-19. Tại Hà Nội, từ quý IV/2020, ghi nhận có Capital Place là tòa nhà văn phòng hạng A, cung cấp tới 93.000 m2 sàn văn phòng, tòa Thaiholdings Tower cung cấp 23.000 m2 sàn và tòa Leadvisors Tower với 18.000 m2 sàn.
“Các tòa nhà vừa gia nhập thị trường với nguồn cung lớn thường sẽ giảm giá thuê trong năm đầu tiên để thu hút khách; giá thuê sẽ tăng dần theo các năm tiếp theo. Có thể nói đây là lý do chính khiến giá thuê thị trường văn phòng hạng A tại thị trường Hà Nội thời gian qua giữ ở mức ổn định”, bà Minh phân tích.
So với các nước khác, nguồn cung của thị trường văn phòng Hà Nội được đánh giá là thấp. Tuy nhiên, bởi yếu tố giá thuê thấp hơn so với các nước trong khu vực trong khi tiềm năng phát triển kinh tế rất tốt, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng phát triển thị trường văn phòng tại Việt Nam.
Một điểm lưu ý khác của thị trường văn phòng sau đại dịch Covid-19 là xuất hiện nhiều hơn mô hình co-working. Mô hình này được thúc đẩy bởi xu hướng các bạn trẻ thích làm việc ở ngoài, với môi trường làm việc linh động.
Tuy nhiên, các văn phòng hạng B và C đang đạt tỷ lệ lấp đầy cao nhất thị trường, một phần do các doanh nghiệp cần có mô hình văn phòng lớn, dao động khoảng 1.000-2.000 m2 sàn. Co-woking sẽ chỉ phù hợp với các công ty start-up hoặc mới đặt chân đến thị trường Việt Nam, thay vì các công ty có dự định hoạt động lâu dài.
Trong khi đó, đánh giá về nguồn vốn FDI vào thị trường văn phòng trong thời gian tới, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng Việt Nam là thị trường mục tiêu của các công ty đa quốc gia, đặc biệt trong các ngành công nghệ, dịch vụ tài chính, bảo hiểm nhân thọ.
“Các doanh nghiệp này đang cần văn phòng, cùng với đó là sự xuất hiện của các nguồn cung mới sẽ khiến phân khúc văn phòng trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều trong thời gian tới. Đây cũng là những yếu tố tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển thị trường văn phòng và trông chờ sự tăng trưởng trong tương lai về giá thuê”, ông Powell nói.
Ở góc nhìn triển vọng, Việt Nam với chính sách tiền tệ linh hoạt và việc ngăn chặn Covid-19 hiệu quả đã mang lại nhiều lợi thế cho thị trường văn phòng. Theo đại diện Savills, nhu cầu về không gian văn phòng truyền thống tiếp tục tăng, bên cạnh các mối quan tâm lớn hơn về tối ưu hóa việc sử dụng.
Văn Hưng