Tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân đối với người trẻ Việt

Thương hiệu cá nhân giúp nhà tuyển dụng của các công ty đa quốc gia có cái nhìn rõ nét hơn về năng lực, kỹ năng và tính cách của bạn trẻ Việt.

Trong chuỗi chương trình MBA For Success của Viện UEH-ISB, bà Nguyễn Tâm Trang – Giám đốc Nhân sự toàn cầu Unilever International, kiêm Giám đốc nhân sự Unilever châu Á – nhấn mạnh tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân đối với các bạn trẻ muốn thuận đường thăng tiến tại các công ty đa quốc gia.

“Dọn tổ” đón “đại bàng”

Với kinh nghiệm làm nhân sự hơn 20 năm, bà Trang cho rằng thương hiệu cá nhân giúp những người xung quanh, đặc biệt là nhà tuyển dụng, biết thêm về con người của bạn. Khi phỏng vấn xin việc, các doanh nghiệp thường tìm hiểu kỹ lưỡng hồ sơ dự tuyển, không chỉ gói gọn trong CV, mà còn nghiên cứu cả những gì người trẻ thể hiện trên không gian mạng. Đó là cơ sở phác họa những nét đầu tiên về chân dung ứng viên.

Bà Nguyễn Tâm Trang – Giám đốc Nhân sự toàn cầu Unilever International, kiêm Giám đốc nhân sự Unilever châu Á.

Ngày nay, nhiều công ty đa quốc gia chủ động tìm kiếm nhân tài ở các nước thông qua các mạng xã hội như Linkedin. Vì thế, những bạn có tham vọng đầu quân vào môi trường quốc tế thường chăm chút cho trang Linkedin, như cách “dọn tổ” để đón những “đại bàng” ghé thăm. Quá trình vun đắp thương hiệu cá nhân này cần đạt đến cấp độ nếu một công ty muốn tuyển vị trí nhất định, hồ sơ của bạn xuất hiện trong top đầu trên các trang mạng xã hội liên quan.

Bà Trang so sánh, các đồng nghiệp tài năng châu Á như Ấn Độ hay Philippines, ngoài khả năng tiếng Anh, còn biết cách thể hiện tốt quan điểm cá nhân. Do khéo léo xây dựng thương hiệu bản thân, họ được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Những người làm việc theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” đôi lúc sẽ thiệt thòi dù chất lượng và năng suất tốt hơn đồng nghiệp. Nhận thấy điều đó, bà Trang khuyên các bạn trẻ Việt nên không ngừng học hỏi, áp dụng các kỹ năng mềm như khả năng sử dụng ngôn ngữ, trình bày, giao tiếp…

Bà cho rằng, các công ty đa quốc gia hiện nay đều rộng cửa cho các ứng viên tiềm năng, bất kể đến từ đâu. Điều cần thiết là phải chủ động về các thông tin để đón đầu những đợt tìm kiếm nhân sự của họ.

Tố chất của lao động toàn cầu thời đại mới

Bà Trang cho rằng, các công ty đa quốc gia ngày càng đặt nhiều kỳ vọng vào ứng viên. Họ ưu tiên lựa chọn những người có khả năng tự học hỏi, linh hoạt và sáng tạo. Ngoài ra, ứng viên cũng cần có tinh thần hội nhập, khả năng giao tiếp và chủ động trước cái mới. Những bạn được đánh giá cao luôn sẵn sàng đón thử thách, nhanh chân tìm kiếm cơ hội và tận dụng tốt thời cơ để tỏa sáng.

Bà Trang có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò lãnh đạo nhân sự cấp cao.

Trong những đợt tuyển dụng, bà Trang thường có cảm tình với những bạn dám kể về thất bại, hành trình đứng lên và trưởng thành từ vấp ngã. Riêng trong lĩnh vực nhân sự, bà khuyên các lao động nên bắt đầu từ việc nhỏ nhất như học cách tuyển dụng, đào tạo, dần tự tích lũy để đảm nhiệm những tác vụ khó hơn. Sự khéo léo và tấm lòng nghĩ cho người khác sẽ giúp bộ phận nhân sự đưa ra nhiều quyết định thích hợp cho người lao động và công ty.

Nâng cao kiến thức với những ai làm nhân sự là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải học ở một khoa, một trường, mà có thể trau dồi qua việc tích lũy kinh nghiệm. Thành công trong ngành này không có quy tắc chung mà đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực từng ngày.

Khi đã đảm đương tốt những việc ấy, bạn trẻ hãy ước mơ bước ra thế giới hoặc tự khởi nghiệp. Theo bà Trang, buổi ban đầu, các bạn nên làm việc trong các công ty đa quốc gia, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm, đến khi chín muồi hãy bắt đầu khởi nghiệp.

Trong hơn 20 năm làm việc, nhóm của bà Trang có thể tuyển và giúp thăng tiến nhiều lao động, nhưng đôi lúc cũng phải nói lời chia tay với một số người. Có thể do họ không còn phù hợp với công việc hoặc do cơ cấu tổ chức thay đổi. Bà cho rằng, trong từng trường hợp cần cân nhắc thật kỹ xem nên làm thế nào phù hợp. “Đừng nên làm chuyện này một mình, vì sa thải không do phòng nhân sự, đó là kết quả từ quyết định của rất nhiều người”, bà Trang cho hay.

Cần gì để thành công trong ngành nhân sự?

Một lời khuyên khác mà bà Trang gửi gắm đến các bạn trẻ là cân nhắc việc học MBA. Từng đi làm 7 năm mới học MBA tại ĐH Assumption (Thái Lan), giờ nhìn lại, bà thấy rằng đó là quyết định sáng suốt. Trong quá trình tự học, làm việc nhóm, lại được gom nhặt kinh nghiệm từ những bạn bè đang công tác ở các công ty lớn, bà thu được kiến thức tổng hợp cho mình.

“Nhân sự không chỉ là nhà tâm lý học, mà đòi hỏi kiến thức rất rộng và sâu như quản trị kinh doanh, dịch vụ… để đưa ra quyết định phù hợp. Rất nhiều thứ mới cần được họ cập nhật mỗi ngày. Chẳng hạn chuyện làm việc từ xa thời Covid-19, nhân sự phải nghiên cứu kế hoạch thích ứng tốt nhất”, bà Trang chia sẻ.

Ngoài ra, bà Trang cho rằng kỹ năng cơ bản của người làm nhân sự là biết lắng nghe để hiểu từng cá nhân, tập thể. Người theo nghề còn phải có hiểu biết rộng về kinh doanh, sản phẩm, người tiêu dùng và khách hàng để có thể đưa ra chiến lược và quyết định về tuyển dụng nhân sự, xây dựng cơ cấu tổ chức và văn hoá doanh nghiệp.

MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được dẫn dắt bởi PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng UEH-ISB, nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Thái Trà