Đóng BHXH 10 năm được hưởng lương hưu: Có tăng mức đóng?
Nguyên ĐBQH ủng hộ giảm thời gian đóng BHXH nhưng phải đa tầng mức đóng và dựa trên nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều.
Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm trong dự thảo trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH – sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, đề xuất xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB-XH xuất phát từ việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị 7 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Thực tế, từ nhiều năm nay, BHXH chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động có hợp đồng, còn các đối tượng còn lại hầu như không muốn tham gia, nhất là BHXH tự nguyện. Như vậy, rất khó thực hiện BHXH toàn dân mà ở đó có sự đảm bảo an sinh cho người dân khi về già.
Lưu ý việc triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW cần có các phương án cụ thể, khoa học, ông Lê Việt Trường cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ yêu cầu cần áp dụng chính sách BHXH mới, trong đó rút ngắn thời gian đóng BHXH nhưng phải đa tầng mức đóng và dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch của BHXH là có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
“Chẳng hạn, rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm, ai có thu nhập cao thì đóng ở mức cao và khi về già sẽ được hưởng mức lương hưu tương ứng với mức đóng ấy”, ông Trường dẫn ví dụ và cho rằng đây là vấn đề mà các cơ quan chuyên môn phải tính toán cụ thể, trên cơ sở đó mới đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
“Quan điểm xuyên suốt vẫn là để hình thành chính sách BHXH mới linh hoạt, đa dạng, đa tầng, rút ngắn thời hạn đóng bảo hiểm để tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội lưu ý, đồng thời cho rằng ở đây không có chuyện cào bằng.
Cụ thể, trong bảo hiểm y tế vẫn có sự tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, có người đóng bảo hiểm y tế nhưng hầu như cả đời không đi khám bảo hiểm, chính vì vậy mà số tiền bảo hiểm y tế họ đóng sẽ hỗ trợ cho những người tháng nào cũng đi viện. Tuy nhiên, đối với BHXH, theo ông Trường, phải thực hiện nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, bởi đây thực chất là tiền của người lao động đóng khi còn khỏe để mai kia về già nhận lại số tiền ấy của mình.
Để chính sách BHXH thực sự là quỹ an sinh và có thể bao phủ toàn dân, Bộ LĐ-TB-XH cần đưa ra một phương án tổng thể, chi tiết, trong đó tính toán cụ thể các mức đóng, từ đó lấy ý kiến, tuyên truyền đến người dân.
Cũng quan tâm đến đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định quan điểm, cái gì có lợi nhất cho người lao động thì làm.
Bà cho rằng, không nên chỉ nhìn vào cán bộ, viên chức, công chức được đào tạo, có trình độ mà cần nhìn vào nhóm đối tượng là người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, sức khỏe kém.
“Sẽ rất thiệt thòi nếu họ không thể trụ lại ở nghề nghiệp đó lâu mà thời gian đóng BHXH lại quá dài, chưa đủ để được hưởng lương hưu. Sẽ ra sao khi nhóm đối tượng này rời thị trường lao động, không thể xin được việc mới vì tuổi đã cao, họ sẽ sống bằng gì sau khi tiêu hết số tiền nhận một cục do BHXH chi trả một lần và cũng không có tiền để đóng tiếp BHXH?
Chi trả bảo hiểm một lần vừa tốn tiền ngân sách, vừa không có lợi cho người lao động khi họ sẽ nhanh chóng tiêu hết và hàng tháng không nhận được gì nữa. Khi ấy, ý nghĩa an sinh của BHXH không còn”, bà Thu Ba băn khoăn và cho rằng, khi đưa ra đề xuất giảm thời gian đóng BHXH, Bộ LĐ-TB-XH hẳn đã có cân nhắc, tính toán. Đề xuất này cũng không ảnh hưởng đến những đối tượng lao động khác, những người có điều kiện làm việc đến 60 tuổi, họ sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn vì thời gian BHXH dài hơn.
Ủng hộ đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm vì “đôi đàng đều có lợi”, bà Lê Thị Thu Ba cũng thừa nhận rằng, mức chi trả BHXH đối với 10 năm sẽ thấp hơn nhiều so với 15, 20 năm, chưa kể các biến động về kinh tế-xã hội khiến đồng tiền trượt giá.
“Nhưng có còn hơn không. Nhà nước cần tính toán bù đắp cho người lao động dựa trên mức trượt giá của đồng tiền.
Thực tế, bấy lâu nay, nói là tăng lương cho người lao động nhưng thực ra mức tăng ấy còn kém hơn cả mức trượt giá của đồng tiền. Cần phải sòng phẳng ở chỗ này, cơ quan chuyên môn phải có công thức tính để đảm bảo bù đắp trượt giá cho người lao động.
Ngoài ra, giảm thời gian đóng 10 năm cũng chưa hẳn sẽ thiệt thòi nếu nâng mức đóng lên. Tuy nhiên, nâng thế nào, mức nâng ra sao và đối tượng nâng mức đóng BHXH là ai… cần có tính toán hợp lý”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.
Thành Luân