Người quản lý báo chí phải có ‘Tâm – Tầm – Tài’

Theo tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, “Tâm – Tầm – Tài” đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí bao gồm phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị và phẩm chất nghề nghiệp.

Ngày 27/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “Vận dụng nghị quyết đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí – truyền thông ở Việt Nam hiện nay”.

Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức các nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vận dụng vào nghiên cứu và giảng dạy. Hơn 100 bài tham luận từ các nhà khoa học đã đươc gửi đến hội thảo.

Hội thảo khoa học được tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nam.

Các tham luận tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản và quan trọng, đánh giá, phân tích làm rõ những vấn đề lớn, ở tầm vĩ mô mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập, như: Chủ đề Đại hội; những điểm mới phát triển lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới…

Nhiều nhà báo “đức không trong, tâm không sáng”

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang (Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) có tham luận bàn về Công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và vận dụng vào lĩnh vực báo chí – truyền thông.

“Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên vào lĩnh vực báo chí – truyền thông lúc này là vô cùng cần thiết”, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói.

Theo bà Giang, báo chí – truyền thông có vị trí và vai trò to lớn, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên những người làm nghề này trong mỗi tác phẩm và sản phẩm của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội.

Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Trường Giang. Ảnh: Hải Nam.

Bà Giang nhận định phần lớn nhà báo luôn thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; đồng thời, cũng vẫn thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong và ngoài nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Thế nhưng, không phải 100% những người làm trong lĩnh vực báo chí – truyền thông đều “trong sạch”.

“Một bộ phận không nhỏ nhà báo ‘đức không trong, tâm không sáng’, đã quên trách nhiệm khách quan, không tôn trọng sự thật, tự bẻ cong ngòi bút… Họ vì ân nghĩa, yêu ghét cá nhân, vì tiền, quyền… để ‘đánh hội đồng’ và ‘cứu hội đồng'”, bà Giang cho hay.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Học viện Báo chí cũng nhắc đến việc nhiều nhà báo dùng báo chí để quảng cáo, PR… hòng trục lợi cá nhân.

“Trước thực trạng trên, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Đại hội XII, trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn… đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu.

Người quản lý báo chí phải có “Tâm – Tầm – Tài”

Trong buổi hội thảo, PGS.TS. Lương Khắc Hiếu (nguyên quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lựa chọn chủ đề “Đấu tranh phòng chống cơ hội chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII” để trao đổi.

Phân tích cụm từ “cơ hội chính trị”, ông Hiếu cho biết tình trạng này xuất hiện ở bất kỳ ai, dù họ không có địa vị nhưng sống vụ lợi, nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, không có chính kiến, quan điểm rạch ròi… Những người này luôn khai thác triệt để, lợi dụng những vấn đề xã hội để phục vụ lợi ích cá nhân, bất chấp hậu quả đối với xã hội.

PGS.TS. Lương Khắc Hiếu, nguyên quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Hải Nam.

Theo ông, “cơ hội chính trị” trong nước ta có 2 loại, gồm nhóm cơ hội chính trị trong cán bộ đảng viên và nhóm cơ hội chính trị cộm cán, nghiêm trọng có khả năng “tạo phản”.

Là một trong 106 tham luận của hội thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tập trung nghiên cứu việc vận dụng nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Bà Hằng nhấn mạnh vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý báo chí vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa có phẩm chất và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

“Các nhà lãnh đạo, quản lý phải có lý tưởng, hết lòng phụng sự nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam”, Viện trưởng Viện Báo chí nhấn mạnh.

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Hải Nam.

Nói về “yêu cầu của tình hình mới”, bà Hằng nhận định cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí đòi hỏi phải có “Tâm – Tầm – Tài”, bao gồm: Phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị và phẩm chất nghề nghiệp.

Trong cuộc cách mạng 4.0, bà Hằng nhận định nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý báo chí phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong các cơ quan báo chí.

Các lãnh đạo và nhà quản lý báo chí cần có hiểu biết và khả năng tiếp cận, triển khai báo chí đa nền tảng, ứng dụng các nền tảng công nghệ số truyền thống và các nền tảng công nghệ mới như âm thanh, báo chí tự động, Chatbot, video trực tiếp (Livestream)…

Hải Nam