Mùa mưa, chủ động phòng sốt xuất huyết từ thói quen sinh hoạt
Phòng ngừa bệnh dễ dàng từ thói quen sinh hoạt
Vấn đề được xem là cốt lõi làm cho dịch bệnh bùng phát nhanh chóng hiện nay có lẽ là việc người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách triệt để trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày ngay tại nhà, chính những thói quen này, cộng với tình hình thời tiết hiện nay và tâm lý chủ quan cũng là cơ hội khiến muỗi sinh sản nhanh chóng và gây bệnh.
Ngành Y tế kiểm tra công tác phòng bệnh sốt xuất huyết tại hộ dân.
Bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể tự phòng, chống tại nhà, cần lưu ý, mỗi ngày chỉ cần vài phút phút là có thể ngăn ngừa bệnh.
Hiện nay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế biện pháp chủ yếu và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy:
– Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước.
– Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
– Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho loăng quăng/bọ gậy.
– Thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ,… dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
– Thả muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước các bình cắm hoa thường xuyên.
Phòng chống muỗi đốt:
– Mặc quần áo dài, kể cả ở nhà.
– Ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm.
– Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem bôi đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi… để tránh bị đốt.
– Nếu nhà có trường hợp mắc bệnh thì nên cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
– Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, ngoài những thói quen phòng, chống bệnh từ bên ngoài kể trên, một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước cho cơ thể và ăn các loại quả chứa nhiều Vitamin C, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Xem thêm: Cả nước 19.710 trường hợp mắc sốt xuất huyết, khi mắc có cần nhập viện?
Trước đây, bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này khá cao. Bệnh sốt xuất huyết có thể khiến cơ thể người bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở các khớp. Các triệu chứng của bệnh từ thể nhẹ đến thể nặng sẽ lần lượt xuất hiện, thậm chí một số trường hợp có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
Bệnh sốt xuất huyết có lây không?
Sốt xuất huyết là bệnh không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Virus gây bệnh sốt xuất huyết chỉ lây bệnh bằng con đường muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua vết đốt.
Không có sự lây truyền trực tiếp bệnh sốt xuất huyết từ người sang người.
Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus, chúng có thể đưa virus gây bệnh vào máu của bệnh nhân bằng cách chích (đốt) người bệnh. Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể chích người và truyền bệnh.
Ai có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết?
Những người sống hoặc đi du lịch đến những quốc gia ở vùng nhiệt đới hoặc các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đều có khả năng bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, những người có nguy cơ cao hơn bao gồm:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Phụ nữ mang thai (virus có thể truyền từ mẹ sang thai nhi)
Người cao tuổi
Người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương
Hà Đăng