Khách hàng lo giá vé máy bay tăng cao nếu bỏ trần
Hành khách lo giá vé dịp cao điểm đắt hơn khi không có mức trần, nhưng chuyên gia cho rằng thị trường đang có 6 hãng là cơ hội để “thả nổi”, tăng cạnh tranh.
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất bỏ trần giá vé máy bay trên chặng có từ ba hãng cùng khai thác trở lên, trên cơ sở thị trường trong nước có sự tham gia của ngày càng nhiều hãng và “đã có tính cạnh tranh rất cao”. Theo cơ quan này, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không
Theo khảo sát của VnExpress từ ngày 14/5, 43% trong số gần 1.900 độc giả cho rằng không nên bỏ trần giá vé máy bay và 16% đánh giá đây không phải thời điểm phù hợp để làm việc này.
Một trong những lo ngại lớn nhất của khách hàng là vé máy bay có thể đắt hơn vào những dịp cao điểm như hè, ngày lễ, Tết nếu không còn khung giá tối đa – công cụ để bảo vệ người tiêu dùng.
Duy Hà, chủ một đại lý vé máy bay dự đoán: “Nếu không còn giá trần, giá vé máy bay phổ thông dịp Tết mua sát ngày như chặng TP HCM – Hà Nội có thể tăng lên hơn chục triệu đồng khứ hồi”. Theo anh, mức giá phổ thông cao nhất cho chặng này dịp Tết hơn 8 triệu những dịp Tết trước đây là do bị kiểm soát bởi khung giá trần. Đồng thời, giá vé mua sát ngày hoặc giờ bay cũng có thể đắt hơn khi không còn giá trần.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng hãng hàng không có thể bắt tay nhau cùng tăng giá, khiến người dân khó tiếp cận vé giá rẻ. Nhiều nước trên thế giới không còn áp giá trần nhưng khách hàng tại đó có lựa chọn loại hình giao thông đa dạng hơn với tàu cao tốc, tàu hoả chất lượng dịch vụ tương đương hàng không…. Trong khi đó, tại Việt Nam, hàng không vẫn là lựa chọn tối ưu nhất với hành khách nhu cầu di chuyển các hành trình trên 500 km hoặc tới các điểm du lịch nổi tiếng.
Một số độc giả của VnExpress cho rằng, để các hãng nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ quan quản lý có thể gỡ bỏ trần vé với hạng thương gia nhưng giữ nguyên công cụ quản lý giá này với hạng phổ thông. Điều này là để bảo vệ quyền lợi của phần lớn hành khách trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa cũng đang tăng giá chóng mặt.
Với 6 hãng bay, thị trường hàng không nội địa được đánh giá rất cạnh tranh thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Trần
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không cần lo về việc giá vé sẽ lập tức tăng cao khi bỏ giá trần bởi hàng không nội địa đang là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp.
Trao đổi với VnExpress, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Không Việt Nam cho rằng đề xuất này phù hợp với không chỉ thị trường hàng không trong nước mà cả quốc tế. Bỏ giá trần giúp các hãng chủ động hơn trong việc triển khai giá vé. Khi doanh nghiệp xây dựng giá, họ sẽ dựa vào quan hệ cung cầu.
Theo ông Nề, thị trường sẽ quyết định cơ cấu giá. Đây cũng là một công cụ cạnh tranh thu hút khách của doanh nghiệp, cùng với đó thị trường có nhiều nhà cung ứng hơn và khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi hơn.
Trong khi đó, đại diện một hãng hàng không cũng cho rằng việc giá tăng cao “khó xảy ra” bởi khách hàng có nhiều lựa chọn khi thị trường nội địa đã có 6 hãng.
PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM, cũng ủng hộ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay. Ông cho rằng, có hãng đưa giá cao, thì cũng có hãng sẵn sàng đưa giá thấp hơn để lôi kéo khách. Hiện tại, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng chọn hãng giá cao hơn với chất lượng phục vụ tốt hơn.
Nhưng ông Nguyễn Thiện Tống gợi ý nên có lộ trình, không nên đột ngột bỏ. Theo ông, bỏ ngay có thể gây ra biến động, ảnh hưởng tới khách hàng, nhất là với những hãng lữ hành đã tính toán để đưa ra giá tour cho khách.
“Trước mắt, cơ quan quản lý có thể nâng giá trần lên mức vừa phải. Điều này không khiến các hãng đẩy giá vé lên mức mới này ngay mà để thử nghiệm, cũng như thăm dò phản ứng các hãng hàng không. Nếu có sự cạnh tranh thực sự, các hãng không thông đồng bắt tay nhau cùng tăng giá, Nhà nước có thể yên tâm bỏ giá trần, bớt can thiệp vào thị trường”, ông Tống đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho rằng thị trường sẽ cạnh tranh hơn và theo đúng hướng kinh tế thị trường.
“Ở bất kỳ loại hình dịch vụ nào, khi có hơn một nhà cung cấp thì không nên áp giá trần. Việt Nam đang có 6 hãng nên việc áp giá trần là không cần và không còn phù hợp với thực tế, cũng như thông lệ thị trường hàng không thế giới khi chỉ còn vài nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan quy định giá trần”, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho hay.
Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có sự cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, vi phạm luật cạnh tranh. Còn các hãng sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn, phù hợp nhu cầu của khách hàng nhất. Khi đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi.
Ông Tuấn lý giải quy định giá trần không còn phù hợp bởi kết cấu dịch vụ các hãng đưa tới khách hàng khác nhau. Ví dụ, Vietnam Airlines ngoài chỗ trên máy bay hãng cung cấp cả suất ăn, đồ uống, hành lý… trong khi các hãng giá rẻ thì không bao gồm những dịch vụ trên.
Còn theo Cục Hàng không, thực tế các hãng luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10 đến 15 mức, trong đó có những mức giá thấp, nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá.
Thi Hà – Anh Tú