Thị trường đồ chơi 1/6: Sức mua giảm mạnh

Nhiều người bán hàng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến không khí mua sắm trong những ngày cận kề Tết thiếu nhi kém sôi động hơn mọi năm. Trên các con phố được mệnh danh là phố đồ chơi của thủ đô như Hàng Mã, Lương Văn Can (Hà Nội)… không còn hình ảnh những cửa hàng đầy ắp đồ chơi, không còn những quầy, giá kê hàng sát ra đến tận vỉa hè bán đủ loại đồ chơi quà tặng cho các bé. Dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng đã chủ động đóng cửa để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Dù mở cửa, khách vào mua thời gian này cũng rất ít. Nhà nào không phải thuê cửa hàng thì mở bán túc tắc, còn phải đi thuê địa điểm thì tiền thu về có khi không đủ trả tiền nhà, một chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết.
Thị trường đồ chơi 1/6: Sức mua trầm lắng
Tại các cửa hàng, thị trường đồ chơi nhìn chung không có nhiều sự thay đổi về mẫu mã, số ít hàng trong nước còn hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, do giá cả vừa phải và chủng loại đa dạng. Về giá cả, qua khảo sát thấy được, do sức mua kém nên hầu hết các cửa hàng đều cố gắng giữ mức giá tốt nhất để thu hút khách hàng. Các mẫu xe ô tô điều khiển từ xa có giá từ 200.000 – 350.000 đồng/chiếc, robot lắp ghép biến hình giá từ 60.000 – 280.000 đồng/sản phẩm, các mẫu đồ chơi lắp ráp, xếp hình, xếp khối… dao động từ 30.000 – 250.000 đồng/sản phẩm. Các bộ đồ chơi xếp hình lego giá từ 300.000 đồng đến gần 3 triệu đồng/sản phẩm. Đồ chơi dành riêng cho bé gái là những bộ đồ chơi búp bê với mức giá khoảng 150.000 – 200.000 đồng/hộp…
Thực tế cho thấy, mặc dù giá bán không tăng nhưng sức tiêu thụ mặt hàng đồ chơi giảm sút đáng kể, thậm chí ế ẩm. Những người kinh doanh đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã cho biết, mọi năm vào thời điểm này, cửa hàng lúc nào cũng tấp nập khách mua hàng nhưng năm nay thật sự khó khăn, sức mua giảm đến 40 – 50%. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của mỗi gia đình nên người dân chủ yếu chỉ mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Mặt khác, mọi người cũng hạn chế đến những nơi đông người để tránh dịch. Các cửa hàng cũng không dám đặt nhiều hàng mới vì vắng khách, thêm nữa năm nay nghỉ hè sớm, không có nhiều đơn hàng từ các trường học để tặng quà cuối năm cho các em học sinh.
Chị Hương Mai, kinh doanh đồ chơi phát triển trí tuệ cho trẻ ở Hà Nội chia sẻ: Vài năm trở lại đây, nhu cầu của phụ huynh và trẻ em cũng đã thay đổi đáng kể và yêu cầu cao hơn về sản phẩm. Những sản phẩm đồ chơi thông minh phát triển trí tuệ, kỹ năng, được làm bằng các chất liệu an toàn như gỗ tự nhiên, nguồn gốc rõ ràng, dù giá đắt hơn, nhưng vẫn được nhiều cha mẹ lựa chọn. Bên cạnh đó, để phòng tránh dịch Covid-19, mua hàng online cũng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Tại các hội nhóm mua hàng trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử hay các nhà sách, siêu thị đều có nhiều mặt hàng đồ chơi, sách truyện… từ trong nước đến nhập khẩu, từ bình dân đến cao cấp để chọn mua và làm quà tặng cho các bé dịp Tết thiếu nhi. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng lớn ở Hà Nội, tình hình mua sắm ở khu vực bán đồ chơi trẻ em cũng không khả quan. Để kích cầu tiêu dùng, các siêu thị đều tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá, giao hàng online.
Đại diện hệ thống ADC Book cho biết, mặc dù dịp lễ 1/6 năm nay sức mua giảm hơn so với mọi năm nhưng các mặt hàng như đồ chơi trí tuệ, quần áo, truyện tranh, đồ dùng học tập… vẫn là những món quà tặng mang ý nghĩa thiết thực được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con mình. Cùng với các chương trình khuyến mãi, hệ thống cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online để phục vụ nhu cầu khách hàng mùa dịch.
Trang Anh