Bình Dương: Đảm bảo đủ hàng trong mọi tình huống

Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết ứng phó với các cấp độ dịch bệnh cụ thể, dự trữ nguồn hàng, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu liên tục không gián đoạn, kể cả trong tình huống xấu khi dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Bình Dương: Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch
Bà Phan Thị Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương – cho biết, căn cứ Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của các cơ quan chức năng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Cụ thể, Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường phải có bảng cam kết đảm bảo nguồn hàng đã đăng ký với Sở Công Thương, sẵn sàng cung ứng cho thị trường khi có biến động về tăng giá, khan hiếm hàng hóa, đồng thời phải xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp
Đặc biệt, ngành Công Thương Bình Dương cũng đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…; các ban quản lý, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về việc bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2021 và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới.
Đồng thời, yêu cầu, các đơn vị tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… trên địa bàn, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng ghim hàng, tăng giá bất hợp lý.
Song song đó, các đơn vị cần sẵn sàng thực hiện các tình huống cung cấp hàng hóa thiết yếu và cung cấp thực phẩm theo từng cấp độ ứng phó với tình huống dịch ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu lên 50%
Theo ghi nhận, sau khi có các ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tình Bình Dương, với kinh nghiệm chuẩn bị hàng hóa tại đợt giãn cách xã hội trong năm 2020, hệ thống siêu thị bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Đồng thời, nâng cao mức độ phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm môi trường mua sắm an toàn cho người dân
Bình Dương: Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch

Đáng chú ý, các hệ thống siêu thị thị Co.op Mart, Big C, MM Mega Market, Lotte , siêu thị Aeon Citimart… đã tăng hơn 30% – 50% lượng hàng hóa thiết yếu tại siêu thị so với ngày thường (trước khi có dịch). Đồng thời, đã chủ động ký hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp, để kịp thời đảm bảo dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, tăng 50% – 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Ngoài việc dự trữ hàng hóa tại các siêu thị hiện hữu, các DN đều có kho dự trữ riêng với sức chứa lớn được đặt ngay tại địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ngăn chặn các biểu hiện đầu cơ, găm hàng tạo sốt giá ảo.

Đại diện các siêu thị cho biết, hàng hóa trong siêu thị luôn dồi dào, trong đó các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân đang được siêu thị bày bán nhiều nhưng sức mua cũng không quá cao. Tuy nhiên, những ngày qua do tâm lý người dân trước tình hình dịch Covid-19, nên lượng hàng hóa, thực phẩm bán ra nhiều hơn bình thường là có, nhưng chủ yếu là đối với một số loại rau củ, quả, thực phẩm và chỉ xảy ra cục bộ ở một vài khu vực, song giá cả vẫn ổn định.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Khanh – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Bình Dương 2, ngay từ tháng 3, hệ thống Co.op Mart đã chuẩn bị tăng lượng dự trữ hàng hóa đến mức tối đa, nhằm bảo đảm sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường cho các tháng tiếp theo. Cụ thể, siêu thị tăng gần 50% các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, mì gói, dầu ăn, muối, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh như các loại gel, nước rửa tay, khẩu trang vải y tế… Ngoài việc bảo đảm giữ ổn định nguồn cung hàng hóa, trước diễn biến phức tạp hiện nay, hệ thống Co.op Mart cũng tiếp tục nâng cao mức độ phòng, chống dịch bệnh.

Ngành Công Thương đã và đang cùng với các cấp, các ngành nỗ lực vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp hơn, Sở Công Thương sẽ kích hoạt kịch bản đã xây dựng, để đáp ứng nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Do đó, người dân không quá lo lắng dẫn đến việc tích trữ lương thực, thực phẩm không cần thiết, gây bất ổn thị trường.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Minh Khuê