Đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử tăng đột biến
Tiki nhận 10.000 đơn hàng rau củ/ngày
Ngay sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi các sàn thương mại điện tử lớn tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa tại khu vực TP. HCM.
Đồng thời, Cục cũng làm việc với các sàn thương mại điện tử như Voso (Viettel Post), Sendo, Postmart, Tiki (Tiki Ngon) và các đối tác vận hành thương mại điện tử… để tổ chức hàng hóa, tăng cường nguồn hàng cho người dân khu vực TP.HCM.
Số liệu được ghi nhận đến ngày 20/7 cho thấy, lượng đơn hàng tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội.
Cụ thể, sàn thương mại điện tử Tiki đã tiêu thụ khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày. Sàn thương mại điện tử Lazada có sản lượng tiêu thụ trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Đặc biệt, theo Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn thương mại điện tử Voso và Postmart có lợi thế về logistics nên đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các Bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã.
Đội ngũ của sàn thương mại điện tử Postmart cũng tăng cường tuyên truyền người dân về cách thức mua hàng tại hàng trăm điểm bán hàng tại các bưu cục và đặt hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn tại các tỉnh thành phố như HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Phú Yên, Khánh Hòa…
Tính đến hết ngày 17/7, chương trình thực phẩm lưu động tại TP.HCM của sàn thương mại điện tử Voso đã ghi nhận hơn 150 tấn rau củ quả được tiêu thụ tại 34 điểm bán lưu động tại 20 quận huyện TP.HCM. Sản lượng đơn đặt hàng trên Voso tiếp tục tăng cao.
Viettel Post và Vò Sò sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập đầu vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM. Người dân TP.HCM có thể dễ dàng tra cứu các điểm bán lưu động của Voso bằng cách tìm “điểm bán hàng bình ổn Voso “ trên google maps, hoặc đặt hàng tại ứng dụng Voso.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử cho biết, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, hiện đại, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục cùng với các sàn thương mại điện tử chung tay, chung sức, tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả việc đưa từ khu vực miền Trung, miền Bắc vào trong Nam.
Vũ Khuê