Tăng cường quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp
Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2020 đi qua, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do tiêu thụ hàng hóa giảm và khủng hoảng logistics bởi các quốc gia siết chặt quản lý xuất nhập cảnh để phòng, chống dịch bệnh… Để tạo thuận lợi thương mại, luân chuyển hàng hóa, ngành hải quan đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, ngành hải quan đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các doanh nghiệp. Trong thời gian giãn cách xã hội, để giúp các doanh nghiệp vừa tuân thủ tốt pháp luật vừa thực hiện tốt các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, cơ quan hải quan đã tiến hành tham vấn, lắng nghe và hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan trực tuyến, hạn chế các thủ tục giấy tờ, khuyến khích thanh toán tiền thuế xuất nhập khẩu online 24/7 qua hệ thống ngân hàng…; chủ động cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật, thủ tục hải quan gửi trực tiếp đến các hiệp hội, doanh nghiệp; tiến hành khảo sát, đánh giá chi phí tuân thủ hành chính trong lĩnh vực hải quan và đưa ra các biện pháp giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn): Để thúc đẩy xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, bên cạnh thực hiện tốt quản lý hàng hóa, thu ngân sách, chống buôn lậu và gian lận thương mại…, Chi cục luôn coi doanh nghiệp là đối tác phục vụ, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp năm 2021 đã được ban hành và triển khai sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được các hỗ trợ của cơ quan hải quan; ngành hải quan sẽ tiếp tục tích cực đối thoại, tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, pháp luật mới cũng như triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, qua đó vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước những vẫn có thể tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa; tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và giải đáp, xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc phát sinh; cập nhật thông tin chính sách, pháp luật mới trong lĩnh vực hải quan đến các doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, chính xác hơn; tăng cường tính minh bạch, công bằng trong quản lý và hoạt động xuất nhập khẩu giữa hải quan và doanh nghiệp.
Cơ quan hải quan cũng sẽ tổ chức cung cấp thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa theo thị trường, theo ngành hàng, theo những biến động của thị trường xuất nhập khẩu do tác động của dịch Covid-19, thông tin về các cam kết quốc tế liên quan đến thương mại hàng hóa… tới cộng đồng doanh nghiệp. Mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp theo ngành nghề trọng điểm, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, các hãng tàu, đại lý hải quan… trong việc thúc đẩy tuân thủ tốt pháp luật; đảm bảo các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, trao đổi thông tin, đánh giá phân loại tuân thủ của các doanh nghiệp.
Ngành hải quan cũng sẽ đổi mới cách thức hợp tác với doanh nghiệp theo chiều sâu để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng kênh giám sát và các tiện ích giúp người dân và doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn trong việc giám sát thực thi pháp luật về hải quan.
Thanh Lam-t/h