Tranh cãi về “Chữ cải tiến 2KY”
Quan điểm của tác giả
Công trình được công bố bởi anh Hoàng Văn Nhật, tác giả bộ chữ cải tiến 2KY cho rằng: Chẳng hạn như trong chữ Việt các phím Z, W, J, F không được sử dụng nhiều, để tận dụng hết các phím trên bàn phím, anh Hoàng Văn Nhật đã tận dụng các chữ đang lãng phí đó vào việc hình thành các chữ ghép.
Các hình ký tự trên bàn phím được tác giả thay đổi như sau:
– Hình ký tự W (đọc là âm thờ) sẽ thay cho chữ Th.
– Hình ký tự F (đọc là âm phờ) sẽ thay cho chữ Ph.
– Hình ký tự Z (đọc là âm gờ) sẽ thay cho chữ G, GH (tránh lỗi chính tả).
– Hình ký tự J (đọc là âm dờ) thay cho chữ Gi, D, R (tránh lỗi chính tả).
Ngoài ra, các từ ghép sẽ được thay thế bằng các âm đơn như:
– Hình ký tự Q (đọc là âm chờ) sẽ thay cho chữ Ch.
– Hình ký tự R (đọc là âm trờ) sẽ thay cho chữ Tr, loại bỏ bớt chữ T.
– Hình ký tự K (đọc là âm khờ) sẽ thay cho chữ Kh, loại bỏ bớt chữ H.
– Hình ký tự G (đọc là âm ngờ) thay cho chữ Ng, Ngh, loại chữ N và chữ H.
– Hình ký tự X (đọc là âm xờ) sẽ thay cho chữ S, X, loại bỏ một chữ S.
– Hình ký tự S (đọc là âm nhờ) sẽ thay cho chữ Nh.
– Hình ký tự D (đọc là âm đờ) thay cho chữ Đ, loại bỏ dấu gạch ngang.
– Ngoài ra, tác giả cho rằng các chữ có mũ vốn dĩ làm mất đi tính thẩm mỹ của bộ chữ quốc ngữ như chữ Â Ă Ê Ô Ư Ơ nên đã được vẽ lại loại bỏ toàn bộ mũ.
Trích đoạn bài thơ “Qua Đèo Ngang” của nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan được tác giả Hoàng Văn Nhật viết mang “phiên bản” chữ cải tiến 2KY
Bảng chữ cái bao gồm 32 chữ cái đơn, tương ứng với 32 âm. Theo anh Hoàng Văn Nhật chữ cải tiến 2KY giúp tiết kiệm 20 – 25% thời gian so với kiểu gõ thông thường. Ngoài ra, việc viết bằng văn bản, chữ viết 2KY, cũng tiết kiệm được không gian tối đa.
“Tôi làm bộ chữ vì đam mê, không có ý sẽ mong muốn thay đổi hay chỉnh sửa gì bản chữ quốc ngữ hiện hành. Rất mong nhận được sự góp ý thêm của mọi người để bộ chữ được hoàn thiện hơn”, anh Nhật cho hay.
Liệu có thể ứng dụng vào cuộc sống?
Nhắc tới bộ chữ cải tiến này, thầy Lưu Văn Thắng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Bộ chữ này không tính đến khẩu âm, chữ tiếng Việt là tượng thanh mà bộ này thay đổi thế không theo cách phát âm của người Việt. Ví dụ: W = TH. Điều này làm mất đi tính nhạc trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ là tiếng lòng, mặc dù bản thân ngôn ngữ cũng có giới hạn là không diễn đạt được hết ý nghĩa, nhưng nó cũng tuân thủ theo văn hoá tập quán sinh sống”.
Thầy Thắng nhấn mạnh thêm: “Quan điểm của tôi là không thay đổi, vì mỗi lần thay đổi là ngắt sự thông suốt lịch sử từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Người trẻ không thể đọc được tư liệu văn hóa lịch sử dân tộc, làm thui chột văn hóa, làm mất tính kế thừa. Gây tốn kém thời gian và tiền bạc trong việc chuyển đổi (nếu xảy ra). Hơn nữa, trong giao tiếp quốc tế sẽ gặp khó khăn khi phải dịch lại ngôn ngữ mới”.
Ngoài ra, nếu ứng dụng vào cuộc sống sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ dùng cách viết như 2KY với di sản tư liệu chữ quốc ngữ “cũ” đã trường tồn khá lâu.
Trước sự phản ứng trái chiều của dư luận, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang đã lên tiếng: “Các bộ chữ cải tiến bây giờ mắc một lỗi hệ trọng là chỉ thiên về kỹ thuật viết, chứ không phải là sáng kiến thay đổi về nghĩa và ý niệm mà từ đó chữ viết truyền tải. Nó chỉ đánh tráo ký tự biểu hiện thôi chứ nghĩa của nó vẫn giữ nguyên. Vì vậy mọi sự cải cách không làm thay đổi ý nghĩa hiểu, mà chỉ thay các xác chữ bằng các ký tự mới rồi đảo chỗ kiểu mã hóa máy tính, do đó không tồn tại được lâu”.
Mặt khác, trên kênh YouTube chữ cải tiến 2KY, cũng có một số tài khoản cá nhân ủng hộ tác giả như nickname Phương Nhung bình luận: “Mẫu chữ 2KY dễ đọc, dễ nhìn hơn các mẫu chữ cải tiến trước đó. Tôi ủng hộ anh Nhật về sự sáng tạo, đam mê của mình”. Hay nickname Trang Nguyễn cho hay: “Cái chữ này lúc đầu nhìn khó phân biệt nhưng ngẫm lại cũng thấy cái hay và gõ nhanh hơn”.
Bài hát Anh Có Về Quảng Trị được phụ đề bằng chữ cải tiến 2KY: https://www.youtube.com/watch.
Một số nickname bình luận ủng hộ anh Nhật trên kênh YouTube
Tiếng Việt không ai thay đổi được, còn chữ viết thì ai cũng có thể nghĩ ra một hệ thống nào đó, với mức độ tiện lợi, nhanh, gọn khác nhau. Cho nên ai thích sáng tạo một hệ thống ký âm tiếng Việt khác để dùng cho những mục đích cụ thể thì có thể thử sức, không có gì phải bàn. Chuyện sáng tạo đó có đưa vào cuộc sống hay không thì lại là chuyện khác.
Dưới đây là trang Facebook Chữ cải tiến 2KY.
Theo https://kenh14.vn/