Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội Halloween
Lễ hội Halloween có tên gốc là “All Hallows’Eve” (đêm trước ngày lễ các Thánh). Trải qua nhiều biến động mà Halloween trở thành một lễ hội vui chơi và không còn mang đậm màu sắc tôn giáo như ban đầu.
Theo truyền thuyết, Halloween xuất phát từ phong tục của người Celt. Người Celt từng là trung tâm của nền văn hóa châu Âu với những phát minh quan trọng trong thời kì đồ sắt, trước khi bị người La Mã và các cuộc di dân của bộ tộc German đẩy đến đảo Anh và vùng bắc Pháp ngày nay. Chính vào thời điểm họ cư trú ở khu vực này, lễ hội Halloween đã dần hình thành.
Ban đầu, Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain, đánh dấu thời điểm người Celt tiễn biệt năm cũ và đón năm mới vào ngày 1-11. Nó còn có ý nghĩa khác là thời điểm để con người bước vào “phần tăm tối” trong năm, tức mùa Đông lạnh giá. Người Celt tin rằng đó là lúc mà linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian.
Sau này, khi đạo Thiên Chúa được mở rộng, các vị chức sắc của Công giáo đã tiếp nhận lễ hội Halloween. Mặc dù vậy, theo một số người, đây chỉ là lễ hội ngoại đạo của những người Công giáo. Lí do vì Kinh Thánh không thừa nhận linh hồn người chết có thể liên lạc với người sống như niềm tin của lễ hội này. Tuy nhiên, những người châu Âu vẫn rất hào hứng đón nhận Halloween.
Theo bước chân của những người Anh chinh phục miền đất mới, Halloween đã đến nước Mỹ và bắt đầu từ khoảng thế kỉ 19, những người dân nơi đây đã hưởng ứng nó một cách nồng nhiệt. Trải qua thời gian, Halloween trở thành một lễ hội vui tươi, hấp dẫn, đặc biệt với các trẻ em. Những trò chơi dân gian cũng được phổ biến và khiến mọi người đều thích thú.
Một trong những biểu tượng của lễ hội Halloween là chiếc đèn hình quả bí ngô hoặc củ cải mà người ta gọi là “Jack O’Lantern”. Nó xuất phát từ câu chuyện về anh chàng Jack keo kiệt, bủn xỉn nhưng vì tình cờ cứu thoát được một con quỷ, nên khi anh chết, anh không được lên thiên đàng mà cũng không phải xuống địa ngục. Linh hồn anh lang thang lạnh lẽo trên trần gian. Con quỷ thương tình, đã cho anh một quả bí ngô trong đó có những viên than hồng để anh sưởi ấm. Để không khí thông vào duy trì ngọn lửa, Jack đã đục thủng quả bí ngô. Ngày nay, những chiếc đèn lồng như vậy được trẻ em rất yêu thích.
Ngoài ra, phong tục trẻ em hóa trang và đi gõ cửa các gia đình để xin ăn xuất phát từ việc người Celt tin rằng, trong đêm 31-10, những linh hồn người chết sẽ tìm đến lừa những người sống, khiến họ lo sợ và phải cung cấp thức ăn. Trong đêm này, trẻ em thường hóa trang bằng các bộ trang phục kì quái, đến từng nhà và nói câu “trick or treat” (cho ăn hay bị lừa). Một ý nghĩa khác của trò chơi hóa trang là để linh hồn chàng Jack tội nghiệp có thể hòa với những người khác trong ngày đặc biệt này.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, từ buổi chiều tới hết ngày 31-10 hàng năm, cộng đồng Công giáo kiêng thịt và chỉ ăn chay. Có rất nhiều loại đồ ăn trong dịp này mà tiêu biểu là kẹo bơ cứng, bánh trái cây Barmbrack, bánh linh hồn hay kẹo táo.
Thu Thủy (t/h)