VinCommerce lột xác sau 1 năm về tay Masan Group
Việc tái cấu trúc theo hai chiều giúp VinCommerce nhanh chóng đạt được mục tiêu ban lãnh đạo Masan Group đề ra, điều mà trước đó không nhiều người tin là có thể thực hiện được trong vòng một năm.
Điểm đáng chú ý nhất của Masan Group trong quý IV/2020 có lẽ đến từ việc công ty con VinCommerce đã đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất 0,2%. Tuy chưa phải là con số cao, nhưng nó đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho công cuộc chuyển đổi của năm 2021.
Ngay từ đầu, ban lãnh đạo Masan Group đã đặt một mục tiêu xuyên suốt là phải đưa VinCommerce hòa vốn EBITDA trong quý IV. Kế hoạch này vấp phải rào cản lớn nhất là đại dịch COVID-19 khiến lệnh cách ly xã hội được thực hiện trong quý II. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều do tác động của đại dịch, người dân giảm số lần đi mua sắm, thay vào đó mua những giỏ hàng lớn hơn.
Siêu thị VinMart |
VinCommerce gặp khó khăn trong quý II để hướng đến mục tiêu của mình. Biên EBITDA sụt giảm xuống âm 8,4%, so với quý I âm 4,8%. Điều may mắn là Việt Nam đã có một chiến dịch kiểm soát dịch bệnh ấn tượng, mọi thứ ở trong trạng thái bình thường kể từ quý III. Dù cho sau đó làn sóng dịch bệnh có quay trở lại tại Đà Nẵng, tuy nhiên Việt Nam lúc này chủ động hơn rất nhiều và dập dịch nhanh chóng. Chính điều này tạo điều kiện tốt cho hoạt động kinh tế, trong đó là lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng.
Quay trở lại với VinCommerce, biên EBITDA của quý III hồi phục mạnh về mức âm 3%, trước khi dương trong quý IV. Doanh thu/m2 tại các cửa hàng VinMart+ tăng trưởng 10,7% so với năm trước đó.
Chiến lược tái cấu trúc được thực hiện đồng thời theo hai hướng: Thứ nhất, cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống bao gồm việc tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống, áp dụng chính sách bán hàng hấp dẫn, cũng như điều chỉnh mô hình hoạt động của VinMart+ với cách bài trí mới…
Thứ hai, VinCommerce mạnh tay đóng cửa các siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động kém hiệu quả từ đầu năm, đó là các điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn. Trong năm 2020, hàng trăm điểm bán như vậy được cho đóng cửa. Song song với đó, VinCommerce cũng mở mới nhiều cửa hàng theo mô hình bày trí mới tại các khu vực tiềm năng.
Việc tái cấu trúc theo cả hai chiều giúp Vincommerce có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu mà ban lãnh đạo Masan Group đề ra, điều mà trước đó không nhiều người tin là có thể thực hiện được trong vòng một năm.
Sau bước một thành công, mục tiêu của VinCommerce trong năm 2021 là chuyển từ điểm mua sắm thuần túy thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online to offline.
Các sản phẩm mới trong ngành hàng thực phẩm của Masan |
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ.
Với tham vọng lọt Top 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới, Masan Group thành lập ra The CrownX là hợp nhất giữa VinCommerce và Masan Consumer Holdings.
Hai công ty hàng đầu lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ cộng hưởng tạo nên sự bứt phá cho kết quả kinh doanh của Masan Group. Năm 2020, The CrownX đạt doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ hai Việt Nam trong lĩnh vực tiêu dùng.
Masan Consumer Holdings lần đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với năm trước đó; EBITDA tăng 22%. Công ty tăng trưởng hơn 20% trong 4 quý liên tiếp nhờ khả năng đổi mới sáng tạo và đầu tư vào thương hiệu. Các phát kiến mới đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu của MCH trong năm 2020. Năm vừa rồi, công ty bổ sung thêm ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình thông qua thương vụ thâu tóm Netco.
Theo Masan Group, chính hệ thống bán lẻ hiện đại VinCommerce giúp MCH nhanh chóng thu thập được phản hồi khách hàng đối với các sản phẩm mới, qua đó đưa ra các điều chỉnh phủ hợp. Bên cạnh đó, VinCommerce cũng có thể phát triển cho mình các sản phẩm nhãn riêng, tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác.
. |
Trong con đường phụng sự người tiêu dùng, Masan Group cũng đặt đạm động vật là một hướng đi quan trọng. Năm 2020, mảng thịt tích hợp bao gồm chuỗi cung ứng trang trại đem về doanh thu 2.378 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD). Tỷ lệ đóng góp vào doanh thu hợp nhất của Masan MEATLife tăng gấp 5 lần từ 3% lên 15%. Biên EBITDA của mảng kinh doanh thịt tích hợp đạt 6,9%, trong điều kiện giá heo hơi tiếp tục ở mức đỉnh.
Trong quý IV, MML góp 51% vốn vào công ty 3VIET, qua đó bổ sung mảng thịt gia cầm có thương hiệu. Doanh thu của 3VIET dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2020, đồng thời đặt mục tiêu hòa vốn EBITDA.
Mảng thức ăn chăn nuôi đem về 13.746 tỷ đồng doanh thu, định hướng của ban điều hành là tập trung thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. Ngành chăn nuôi hồi phục giúp cho mảng thức ăn chăn nuôi của MML tăng trưởng trở lại 30% trong quý IV, tăng trưởng so với quý trước đó đạt gần 14%.
Tại Masan High-Tech Matertials (MHT), năm vừa rồi công ty ký thỏa thuận đầu tư giá trị 90 triệu USD với Mitsubishi Materials Corporation, tương ứng 10% vốn cổ phần pha loãng. Trước đó, thành viên của Masan Group mua lại mảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck với tầm nhìn trở thành nền tảng vật liệu công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
Với việc giá APT tăng trong thời gian gần đây, MHT kỳ vọng hưởng lợi từ chu kỳ khoáng sản trong tương lai. Thực tế, giá nhiều kim loại, bao gồm đồng đang ở mức cao nhất 8 năm.
Doanh thu của MHT tăng thêm 58% do hợp nhất HCS, biên EBITDA đạt 19,3% trong năm 2020.
Trong bối cảnh nhu cầu trên toàn chuỗi giá trị vonfram sụt giảm do ảnh hưởng của COVID-19. Ban điều hành MHT đã thực hiện hợp lý hóa chi phí hoạt động của công ty trong năm 2020 và tiếp tục trong năm 2021.
Hướng đến năm 2021, doanh thu của Masan Group dự kiến tiếp tục tăng trưởng từ 20 – 40% nhờ động lực từ The CrownX, mảng thịt tăng tốc và giá khoáng sản được cải thiện.
EBITDA đặt mục tiêu từ 15 – 20%, biên lợi nhuận thuần từ 3 – 5% nhờ VinCommerce đã có EBITDA dương, và mảng kinh doanh thịt của MML tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh đó, Masan Group có kế hoạch giảm nợ vay, tăng vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư chiến lược.