ĐBSCL TĂNG DIỆN TÍCH CÂY ĂN TRÁI ĐƯỢC CẤP MÃ VÙNG TRỒNG
Để đảm bảo ổn định đầu ra, không bị biến động về giá, xuất khẩu là giải pháp hướng đến của các vùng trồng trái cây trọng điểm ở ĐBSCL. Và một trong những điều kiện bắt buộc để xuất khẩu hiện nay đó là phải có mã vạch để dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Một tín hiệu đáng mừng là diện tích vùng trái cây được cấp mã vạch tại ĐBSCL đang ngày càng mở rộng, vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cho xuất khẩu, vừa hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có diện tích khoảng 200 héc ta, là một trong những HTX đầu tiên được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn. Đến nay, HTX đã có 8 mã vùng trồng và 1 nhà máy đóng gói, xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường khác. Với mức giá từ 75.000 – 80.000 1 kg sầu riêng Ri6 tại vườn, bà con đã có lợi nhuận khoảng 30 – 40%.
Việc được cấp mã vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt đáp ứng thị trường của bà con nông dân ở ĐBSCL. Từ đó thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như nhà khoa học, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá.
Ông Đỗ Hữu Thành – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hoàng Nghĩa, tỉnh Bến Tre
“Đối với việc cấp mã code, bà con đồng tình vì vừa sản xuất hàng hóa được xuất đi, vừa được tập huấn canh tác cho an toàn, để được xuất đi nước ngoài, thì lúc nào giá cũng cao hơn trong nước.”
Dù vậy, việc mở rộng diện tích cây ăn trái được cấp mã số tại ĐBSCL không hề dễ dàng, số lượng mã vùng trồng còn khiêm tốn so với tổng diện tích gần 400.000 héc ta toàn vùng. Hiện, các địa phương đang tích cực tuyên truyền nông dân chủ động tham gia vào sản xuất theo chuỗi, cũng như đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng.
Ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre
“Lập những vùng sản xuất có kết nối theo chuỗi, có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người dân, vì vậy những thông tin diễn biến phức tạp bà con cũng được tiếp cận, cân nhắc rõ ràng khi sản xuất và chúng tôi khuyến cáo khi sản xuất phải gắn với thị trường.”
Mã số vùng trồng chính là giấy thông hành để xuất khẩu nông sản chính ngạch vào hầu hết các thị trường, là xu hướng chung mà nông dân phải đáp ứng để ổn định đầu ra. Từ hiệu quả ban đầu cũng như nỗ lực mở rộng các chuỗi liên kết, xuất khẩu, diện tích nông sản được cấp mã số được kỳ vọng sẽ ngày càng tăng lên, giúp nông dân vùng ĐBSCL yên tâm sản xuất./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Hương Giang – Lưu Niệm