Những điều cần tránh trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc

Lần đầu đi phỏng vấn xin việc không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ và lúng túng. Chính vì hồi hộp và chưa có kinh nghiệm mà ứng viên rất dễ mắc phải sai lầm. Có sai lầm nhà tuyển dụng thông cảm được, nhưng cũng có sai lầm “tối kỵ” mà ứng viên cần phải tránh. Tiêu biểu là 7 lỗi trong bài viết dưới đây.

Đến phỏng vấn muộn

Dù bạn đang phỏng vấn tìm việc làm ở Hà Nội hay TPHCM, thì đúng giờ là phép lịch sự tối thiểu và là biểu hiện cho thấy sự chuyên nghiệp ở ứng viên. Do đó lỗi cần tránh nhất trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc chính là đến muộn so với giờ hẹn. Ứng viên cần sắp xếp thời gian và tính toán đường đi sao cho đến trước giờ phỏng vấn ít nhất 15 phút. Điều này sẽ giúp bạn có thêm quỹ thời gian dự phòng nếu chẳng may gặp những sự cố bất ngờ như tắc đường, xe hỏng, sự cố trang phục… Ngoài ra, đến sớm còn giúp bạn có thời gian điều chỉnh vẻ ngoài, ổn định tâm lý, trò chuyện với các ứng viên khác và những người xung quanh. 

Ăn mặc không phù hợp với buổi phỏng vấn

Trang phục là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về ứng viên. Họ có thể căn cứ vào trang phục để âm thầm đánh giá về bạn. Vì vậy nếu như ứng viên lựa chọn trang phục không phù hợp với buổi phỏng vấn thì xem ra cơ hội nắm chắc công việc của họ đã vơi đi ít nhiều. 

Tùy từng tính chất công việc mà ứng viên lựa chọn trang phục sao cho vừa thoải mái với bản thân vừa phù hợp để phỏng vấn. Với những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, đứng đắn như kế toán viên, kiểm toán viên, thư ký, nhân viên hành chính…, người ứng tuyển nên chọn lựa trang phục tối màu đi kèm với áo vest. Còn khi tham gia phỏng vấn vào những vị trí việc làm có tính chất năng động, linh hoạt, sáng tạo như chuyên viên thiết kế, nhân viên marketing, nhân viên sale…, bạn có thể ăn mặc cá tính một chút và lựa chọn những gam màu sáng thanh nhã. 

Khi không biết mặc gì đi phỏng vấn, các bộ trang phục công sở chính là lựa chọn an toàn dành cho bạn. Đặc biệt, ứng viên nên tránh khoác lên người những bộ trang phục có thiết kế rườm rà, màu sắc sặc sỡ, kích cỡ quá ôm sát hoặc quá ngắn, kiểu dáng cắt xẻ táo bạo. Việc lựa chọn trang phục như vậy sẽ là điểm trừ lớn trong mắt nhà tuyển dụng.

Tác phong lúng túng 

Rất dễ hiểu nếu ứng viên cảm thấy lúng túng và lo lắng ở lần đầu đi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên bạn cần cố gắng điều chỉnh tâm trạng, hít thở sâu và hạn chế biểu hiện chúng ra bên ngoài. Những cử chỉ run rẩy như nói ngắt quãng, giọng nói lí nhí, loay hoay tìm giấy tờ, rung chân, thường xuyên xoa tay vào nhau hoặc đút tay vào túi quần… sẽ khiến nhà tuyển dụng nhận ra sự thiếu tự tin ở bạn. Và như vậy họ sẽ không hài lòng về

Quá nhún nhường khi xin việc

Bên cạnh đó ứng viên cũng không nên thể hiện sự nhún nhường quá mức ở lần đầu phỏng vấn xin việc. Hầu hết ứng viên tham gia phỏng vấn lần đầu thường có biểu hiện quá “ngoan ngoãn” như chỉ biết dạ vâng, thụ động lắng nghe một chiều, không dám đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, luôn luôn đồng ý với ý kiến của họ, nêu quan điểm rập khuôn theo số đông… Phỏng vấn chính là cơ hội để bạn thể hiện bản thân và tỏa sáng, vì vậy sự thiếu tự tin và nhún nhường trong khi phỏng vấn sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một ứng viên không có tiềm năng. 

Không biết hỏi gì hoặc đặt câu hỏi chưa khéo léo

Thông thường vào cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian để ứng viên đặt ra câu hỏi và giải đáp thắc mắc. Nhiều ứng viên lần đầu phỏng vấn thường nghĩ rằng “thủ tục” này không quan trọng và nhanh nhảu trả lời “Em không có câu hỏi nào cả”. Điều này cho thấy bạn chưa có được cái nhìn sắc sảo, chưa tìm hiểu kĩ về vị trí việc làm hoặc không tha thiết với công việc này nên chẳng có thắc mắc nào. Tuy vậy cố gắng “nặn” ra một câu hỏi để đối phó với nhà tuyển dụng cũng không phải là điều hay. Những câu hỏi vớ vẩn, vụn vặt càng làm họ thêm ấn tượng xấu về bạn. 

Vậy làm thế nào để đặt câu hỏi khéo léo cho nhà tuyển dụng? Bí quyết là hỏi những câu đáng giá liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Chẳng hạn “Vì sao người làm việc trước đây rời bỏ vị trí này?”, “Công việc chủ yếu ở vị trí này là gì?”, “Tố chất quan trọng nhất của người làm việc ở vị trí này mà quý công ty cần là gì?” …

Thể hiện thái độ tiêu cực

Trong bất kỳ tình huống nào, thái độ tiêu cực đều tạo ra những hệ quả xấu. Khi tham gia phỏng vấn xin việc, ứng viên lại càng không được thể hiện thái độ tiêu cực trước mặt nhà tuyển dụng. Những biểu hiện như nói xấu công ty cũ, thắc mắc dồn dập về tiền bạc, tỏ ra khó chịu khi nhà tuyển dụng triển khai về yêu cầu công việc… sẽ khiến bạn “quay vào ô mất lượt”. Hãy thể hiện thái độ lạc quan, tích cực về công việc thay vì chỉ chăm chăm đề cao cái tôi và lợi ích cá nhân.

Quên chào hỏi, cảm ơn sau phỏng vấn

Một trong những phép tôn trọng, lịch sự tối thiểu đối với nhà tuyển dụng là chào hỏi và cảm ơn trước lẫn sau phỏng vấn. Nhiều ứng viên vì quá lo lắng mà quên mất những nghi thức này. Đây là lý do dù bạn có trả lời phỏng vấn thành công đến đâu nhưng nhà tuyển dụng vẫn không đánh giá tích cực về bạn.

Trên đây là 7 lỗi cần tránh trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc, hy vọng rằng bạn ứng viên sẽ lưu tâm và không mắc phải những sai lầm đáng tiếc kể trên. Chúc các bạn chuẩn bị tốt và phỏng vấn thành công ngay từ lần đầu tiên.

Ngân Giang/TH