Người kế nghiệp ở Tập đoàn xây dựng Hòa Bình
Tìm người kế nghiệp của những doanh nghiệp lớn luôn là bài toán gian nan, đặc biệt là đối với những tập đoàn lâu năm. Thực tế, không nhiều thế hệ trẻ chấp nhận làm “cái bóng” của cha mẹ. Thế nên, việc có con trai kế nghiệp đối với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hoà Bình, là một điều may mắn.
Cuối tháng 7/2020, anh Lê Viết Hiếu đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thay cho cha mình là ông Lê Viết Hải.
Ông Hải chia sẻ: “Con trai tôi đã xác định chuyện kế nghiệp từ những ngày bắt đầu đi học ở nước ngoài. Đến nay, con đã giữ đúng lời hứa, thay tôi viết tiếp trang sử vàng của Hòa Bình bắt đầu cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo cũ cho thế hệ lãnh đạo mới và quan trọng hơn đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Hòa Bình”.
Ông Lê Viết Hải chính thức chuyển giao vị trí tổng giám đốc cho con trai Lê Viết Hiếu tại sự kiện “Trang sử vàng – Lễ chuyển giao thế hệ” ngày 24/11/2020.
Không chỉ kế nghiệp kinh doanh…
Cách đây nhiều năm, khi chuẩn bị đi học tại Trường đại học California Polytechnic State, San Luis Obispo (Mỹ), mẹ anh Hiếu tâm tình:
– Con đi học phải trở về để kế nghiệp ba nhé.
– Con chắc chắn sẽ về. Nhưng về con sẽ làm cu-li thôi, rồi từ từ phấn đấu đi lên chứ không dựa vào ba.
– Da trắng như con sao đi làm cu-li được?
– Con về sẽ đi tắm biển Vũng Tàu cho da đen bớt đi.
Câu chuyện giữa hai mẹ con nghe tếu táo là thế, nhưng phần nào thể hiện quyết tâm của chàng trai 9x. Và anh làm đúng như lời mình nói. Mỗi dịp về Việt Nam nghỉ hè, anh dành phần lớn thời gian để làm việc tại công trường nắng bụi. Nhận thấy ngành học quản lý đô thị theo định hướng ban đầu không phù hợp, anh chọn học ngành quản trị kinh doanh – chuyên ngành tài chính doanh nghiệp.
Đến khi trở về, anh tham gia vào Hòa Bình từ các vị trí Phó giám đốc phát triển thị trường nước ngoài, Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc trước khi trở thành Giám đốc điều hành.
Được chọn kế nghiệp đối với anh Hiếu là một niềm vinh dự, nhưng đồng thời cũng là một thử thách lớn đối với một vị lãnh đạo trẻ. Bởi vì Hòa Bình là một tập đoàn đã khẳng định vị trí dẫn đầu khi trở thành nhà thầu xây dựng có uy tín cao nhất Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua.
“Nhiệm vụ của Hiếu không đơn giản là người thay thế, mà phải tiếp nối những giá trị truyền thống của Hòa Bình, chinh phục những mục tiêu mới, trong đó nỗ lực góp phần đưa ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài quả là có nhiều thách thức đang đặt lên vai người mới, nhưng với định hướng và chiến lược cụ thể, trước mắt là chuẩn bị cho sự khôi phục kinh tế trên toàn thế giới năm 2021 và đón làn sóng đầu tư nước ngoài trong nhiều năm tới cùng nhiều cơ hội khác khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới”.
Quả là một trọng trách đặt lên vai vị CEO trẻ tuổi. Tuổi đời, tuổi nghề quá trẻ là một thách thức lớn, khi Lê Viết Hiếu sẽ phải vừa chứng minh năng lực của mình, vừa phải thuyết phục được mọi người trong doanh nghiệp.
Ông Giản Tư Trung, Giám đốc học viện quản lý PACE từng gọi kế nghiệp là “nghề phải làm mọi nghề”. Với Hiếu, anh làm thuyền trưởng nhưng anh cũng là người học việc của cha. Anh phải sẵn sàng làm mọi việc, mọi nghề để chèo lái con tàu doanh nghiệp và lãnh đạo đội ngũ nhân viên của mình một cách thuyết phục.
Anh còn phải biết xử lý các mối quan hệ một cách khéo léo, chính trực, đúng với phong cách của người quân tử xưa: “Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày, đi ngang vườn vải chớ sửa mũ”.
Mặt khác, anh cũng phải có khiêm nhường, chịu khó học hỏi, đồng thời có kỹ năng thiết yếu của một nhà lãnh đạo để tự tin vạch ra chiến lược kế thừa và phát triển cơ nghiệp mà thế hệ trước.
“Tôi tin Hiếu làm được những điều này, vì ngay từ nhỏ, Hiếu đã là người có tư duy cầu tiến, biết lắng nghe và chịu khó học hỏi. Tôi kỳ vọng rằng sự năng động của thế hệ trẻ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiến ra thế giới thuận lợi hơn”.
Theo nghiệp cha cũng là sự tự nguyện của Lê Viết Hiếu, điều nay chứng tỏ anh có cùng đam mê, sở thích với cha. Đồng thời anh cũng thấu hiểu tâm huyết của ông Hải và muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp mà cả cha và ông mình đã hơn 30 năm gầy dựng.
…Mà còn kế nghiệp xây dựng nền hòa bình
Một trong những thử thách với Lê Viết Hiếu là tiếp tục giữ vững văn hóa doanh nghiệp mà Hòa Bình đã duy trì trong hơn 3 thập kỷ. Chính văn hóa doanh nghiệp là thứ đã đặt nền móng cho tập đoàn từ những ngày đầu thành lập, và được “nắn nót” ghi lại trong từng trang sử vàng.
Giá trị cốt lõi của văn hóa Hòa Bình như 7 màu sắc trong bảy sắc cầu vồng, bao gồm: Ứng xử văn minh, Hành xử chính trực, thực thi cam kết, tuân thủ kỷ luật, tích hợp tinh hoa, tích cực sáng tạo, chủ động hợp tác. Trong đó, lòng nhân ái, từ bi là giá trị bao trùm từ suy nghĩ, cách hành xử, đối nhân xử thế.
Tuyên ngôn về giá trị Hòa Bình không phải là những từ ngữ hoa mỹ, cũng không phải khẩu hiệu sáo rỗng. Vì từng cá nhân trong tập đoàn đã cảm nhận về nó một cách sâu sắc, nó thực sự ăn sâu vào tiềm thức của mỗi thành viên để được thực thi một cách tự nguyện tự giác cuối cùng trở thành cốt lõi của họ và bản chất của tổ chức tôi tin rằng với hoài bão cao thử một xứ mình hướng tới chân – thiện – mỹ.
“Văn hóa doanh nghiệp một phần thể hiện tính cách của người đứng đầu. Và văn hóa Hòa Bình thể hiện tư duy của cha tôi là nhà giáo Lê Mộng Đào, một tấm gương cống hiến hy sinh cho đời cho Phật pháp, nguyên Chủ tịch danh dự hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình”, ông Hải nói về cha mình bằng một sự kính trọng thể hiện rõ ràng qua ánh mắt.
Theo lời kể của ông Hải, thì cha mẹ ông có đến 13 người con. Năm 1967, cha ông quyết định đưa cả nhà vào Nam, sống bằng nghề bán thuốc tây, mở trường dạy học, làm bánh mức, sản xuất hộp quà Tết, lo cho con ăn học thành tài.
Tuy gia cảnh khó khăn, nhưng cha mẹ ông luôn trải lòng san sẻ vật chất và tinh thần với bà con, bạn hữu và những mảnh đời bất hạnh. Biết thương người và luôn sẵn sàng chia sẻ thương người như thể thương thân.
Lòng nhân ái đức hy sinh và tinh thần yêu nước tinh thần cống hiến phụng sự xã hội của ông không chỉ trong lời dạy mà trong từng cử chỉ việc làm hằng ngày. Bất cứ lúc nào có dịp, ông bà đều nhắc con cần nhớ rằng gieo nhân nào thì gặp quả ấy, để biết làm lành tránh làm ác biết gần cái tốt xa cái xấu…
Nhờ triết lý sống của ông, con cháu ông mới có lối sống thuận hòa theo đạo lý nhà Phật và Hòa Bình đã tỏa sáng với một văn hóa doanh nghiệp đầy tính nhân văn.
Từ nhỏ, Hiếu đã được sống với ông bà nội. Thế nên, anh đã sớm thấm nhuần những đạo lý sống tốt đẹp và luôn nghĩ cho người khác. Khi gia đình khá giả, Hiếu không muốn đi học bằng xe hơi vì cho rằng như vậy là “kỳ lắm”.
Anh chỉ muốn được đưa đón bằng xe máy hoặc đi xe ôm. Anh không có tư tưởng hưởng thụ như những thiếu gia “đẻ bọc điều” khác, mà luôn khiêm cung và trung thực trong mọi lẽ, dù mình có phải chịu thiệt thòi.
“Người kế nghiệp Hòa Bình không chỉ là người giỏi mà phải đức độ, và có lòng từ bi, bởi vì tầm nhìn của tập đoàn là hòa bình cho cộng đồng doanh nghiệp, và hòa bình cho tất cả mọi người”, tâm huyết này của ông Hải đã được ghi lại trong cuốn sách “Thập kỷ vàng – Trang sử mới” do ông tự tay viết trong giai đoạn thế giới đang lao đao vì Covid-19. “Hòa bình là sứ mệnh của tập đoàn, nghĩa là việc của tôi, của con trai tôi, và của toàn doanh nghiệp”.
Hòa bình ở đây chính là cả cộng đồng doanh nghiệp cùng hợp tác để thành công, không cần phải tranh nhau miếng bánh thị trường nội bé nhỏ. Vì mục tiêu trọng yếu trong thập kỷ tới 2020-2030 là phát triển công nghiệp xây dựng Việt Nam ra thị trường toàn cầu, trong đó Hòa Bình sẽ luôn là người tiên phong vững vàng.
Đây có phải là cách duy nhất nhằm đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, từ đó công nghiệp xây dựng sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành một cường quốc.
Đây cũng là cách để công nghiệp xây dựng Việt nam sẽ có một vị trí xứng đáng trên thị trường toàn cầu, cũng là cách để mỗi doanh nghiệp phát triển không giới hạn, lợi nhuận tối đa theo tiềm năng của mình.
Có thể thấy, thị trường trong nước quá nhỏ so với năng lực phát triển của ngành xây dựng. Sau nhiều năm giành lại thị phần của các nhà thầu ngoại, đến năm 2017, cũng là lúc thị trường xây dựng bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.
Trong khi đó, giá trị của thị trường nước ngoài gấp 750 lần thị trường trong nước, là miếng đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam vẫy vùng tối đa. Thế nên, lẽ ra chuyện “bắt tay cùng ra biển lớn” phải được thực hiện từ những năm qua, nếu Covid không bùng phát. Đến lúc này có lẽ hơi trễ, nhưng muộn còn hơn không.
Sau khi nhường lại vị trí giám đốc cho con trai, ông Hải đã nhận vị trí chủ tịch tại Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP HCM. “Đã đến lúc tôi nhường công việc của công ty cho thế hệ trẻ, còn tôi thì tham gia việc của cộng đồng nhiều hơn. Với cương vị mới, tôi sẽ mở rộng liên kết với các hiệp hội khác như: Hiệp hội kiến trúc sư, Hiệp hội gỗ, Tổng hội Vật liệu xây dựng Việt nam, Tổng hội cơ khí Việt Nam… để cùng ghi “dấu ấn” của ngành xây dựng Việt Nam ở thị trường nước ngoài.”