TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA: Đã đến thời của người Việt trẻ ghi danh bằng chất xám

TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA tin tưởng như vậy khi thực hiện kế hoạch thu hút, tập hợp chất xám của những người Việt trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, vợ và đồng nghiệp
Kết nối trí tuệ
TMA đã miệt mài ghi tên mình vào tốp các công ty hàng đầu về xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Chỉ sau 5 năm thành lập, vào năm 2002, TMA đã được Aberdeen Group lựa chọn là một trong 15 công ty trên khắp thế giới đạt danh hiệu “Công ty gia công phần mềm nước ngoài tốt nhất”.
Cuối năm 2020, trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam 2020 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) công bố có tên TMA Solutions (công ty con của TMA), đứng cùng Harvey Nash Việt Nam (NashTech Vietnam), Rikkeisoft, FPT… Riêng TMA được vinh danh tại 2 lĩnh vực khác là tốp doanh nghiệp Fintech và A-IoT.
Theo dữ liệu mà Tạp chí điện tử VietTimes (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) có được, trong giai đoạn 2017 – 2019, TMA Solutions và NashTech Vietnam là 2 doanh nghiệp có doanh thu thuần, tỷ suất sinh lời nổi bật hơn cả.
Tuy nhiên, điều mà vị chủ tịch 72 tuổi của TMA muốn nói đến lúc này là cơ hội các doanh nghiệp chuyển từ gia công phần mềm sang đầu tư vào sản phẩm, để ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ thế giới. Ông nói, đã chuẩn bị cho thời điểm này từ lâu, ngay khi đang ở trên đỉnh.
“Chúng tôi may mắn khi liên tục phát triển trong 23 năm qua, có thể nói là tới đỉnh, nên có nguy cơ tụt xuống trong 1 – 2 năm tới, nếu không có sự chuẩn bị”, ông Lệ nói.
TMA có 3 nhánh chính: TMA Solutions chuyên làm gia công, TMA Innovation chuyên làm sản phẩm và TMA Innovation Park – công viên sáng tạo – vừa làm sản phẩm, vừa là xưởng phần mềm.
TMA Innovation Park (đã đi vào hoạt động từ giữa năm 2020 sau 2 năm xây dựng) có lẽ là sự chuẩn bị của TMA để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
TMA là công ty phần mềm đầu tiên đầu tư vào thung lũng sáng tạo Quy Nhơn (Bình Định) – nơi đang được định hướng trở thành đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam. Hiện ở đây đã bắt đầu có hạ tầng, thiết bị…
“Quan trọng nhất với các công ty phần mềm là chất xám, là con người. Trong trường hợp này, tôi rất may khi có nguồn chất xám nhiều kinh nghiệm”, ông Lệ khoe.
Nhờ có sẵn cơ sở hạ tầng, TMA sẽ tăng nhận số sinh viên thực tập, nếu trước đây trung bình mỗi năm chỉ nhận khoảng 200 sinh viên, chia thành 3 – 4 đợt, thì nay sẽ gấp đôi.
Ngoài nguồn sinh viên từ Đại học Quy Nhơn, TMA sẽ nhận cả sinh viên của Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Đại học Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột), Đại học Nha Trang, Đại học Phú Yên, rồi tiến tới Đại học Đà Lạt, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng…
Sẽ có 50% trong tổng các sinh viên đã thực tập xong được chọn ở lại để đào tạo thêm trước khi tuyển dụng chính thức.
Đặc biệt, TMA đã gửi đi thông điệp sẵn sàng đầu tư để tái đào tạo cho những người từng học ngành công nghệ, nhưng đang làm trái ngành. Điều kiện là những người rời ngành không quá 5 năm, còn đam mê với công nghệ.
“Tôi dự tính, trong 5 – 10 năm tới, tại Công viên sáng tạo TMA ở Quy Nhơn, sẽ có khoảng 2.000 nhân sự công nghệ thông tin. Trong số này, tôi kỳ vọng có thể thu hút lực lượng người miền Trung đang sống ở TP.HCM trở về, khi họ tin tưởng và biết TMA nghiêm túc”, ông Lệ chia sẻ.
Lãnh đạo chính quyền địa phương chắc hẳn sẽ rất vui khi nghe kế hoạch này của ông Lệ. Ngoài TMA, Bình Định cũng vừa thu hút được Becamex đầu tư khu công nghiệp, đô thị với quy hoạch tổng thể hơn 1.400 ha, cần rất nhiều lao động chất lượng cao.
Thời của những con người có lý tưởng
Trong phóng sự dài 2 phút 14 giây phát trên CNN năm 2005, phóng viên Mike Chinoy đã giới thiệu về TMA qua “ngày thứ năm, một ngày toàn tiếng Anh” của TMA. Đây là một cách để Công ty duy trì tính cạnh tranh và khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong làng gia công phần mềm Việt Nam hiện nay.
Đầu tư vào chất xám là gen của TMA. Thế nên, ở TMA, thách thức lớn nhất không phải là tìm khách hàng, vì thương hiệu này đủ nổi tiếng và được tin tưởng để khách hàng mới tìm đến, còn khách hàng cũ luôn gia hạn hợp đồng. Trong tổng doanh thu hàng năm của TMA, 70% đến từ nguồn “truyền miệng” và đối tác cũ đặt thêm sản phẩm/dịch vụ.
Công việc được xem là thách thức và cũng quan trọng nhất ở TMA là tuyển được nguồn kỹ sư có chất lượng cao, đào tạo và giữ chân họ. Ông Lệ trăn trở rất nhiều về việc này.
10 năm trước, ông lo lắng vì giới trẻ không nghĩ xa.  Còn giờ, ông rầu lòng khi thấy nhiều bạn trẻ muốn có điện thoại 10 triệu đồng, thậm chí hơn để khoe bạn bè.
“Tôi thấy rất tiếc. 30 năm qua, xã hội thay đổi quá nhanh, mọi thứ phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, nhưng dường như cách ứng xử, tình người theo không kịp. Ngày càng nhiều người bị cám dỗ”, ông Lệ chia sẻ tâm tư.
Cũng có người cho rằng, tâm tư của ông đến từ khoảng cách thế hệ. Tuổi trung bình của nhân viên TMA là 28, trong khi ông đã ngoài 70.
“Tôi chấp nhận sự khác biệt này vì chúng tôi cách nhau vài thế hệ. Đầu tư vào miền Trung, thu hút nhân sự ở nhiều thế hệ cũng là để giảm bớt khoảng cách này. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ tầm nhìn, về cách sống. Con người vừa phải có vật chất để sống, nhưng cũng phải có tình và lý tưởng”, ông Lệ thẳng thắn.
Ngay tại TMA, ông cũng đã xác định, doanh nghiệp này không phải của riêng ông, mà của tất cả đội ngũ, cùng phát triển mới có thể tạo nên cấp số nhân. Sự gắn kết 2.600 nhân viên, trong đó có khoảng 2.500 kỹ sư, không phải bằng tiền.
“Văn hoá gia đình tại TMA tạo điều kiện tối đa cho mọi người phát triển. Chúng tôi nói không với phe phái, phân biệt đối xử, tạo môi trường lành mạnh để anh em không mất thời gian vào việc không đáng lo”, ông Lệ nói.
TS. Nguyễn Hữu Lệ được biết đến là người tiên phong trong phát triển ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam, khi về nước từ năm 2000 sau hơn 20 năm làm việc tại Nortel – công ty đa quốc gia chuyên sản xuất thiết bị viễn thông, có trụ sở chính tại Canada.
“Công ty gia công phần mềm hàng đầu Việt Nam” còn là đánh giá của báo chí nước ngoài (CNN, NHK, Global, National…) dành cho TMA khi danh sách khách hàng của họ có thể là niềm mơ ước của nhiều công ty gia công phần mềm, bởi hội tụ các tên tuổi lớn trong làng công nghệ thông tin, viễn thông của thế giới như Nokia, Ribbon, Avaya…
Ở tuổi này, ông Lệ không có nhiều lựa chọn vì giới hạn về tuổi tác, sức khoẻ, nên ông muốn gửi gắm nhiều điều cho thế hệ trẻ, những người mà theo ông, sẽ đưa Việt Nam tiến lên qua con đường đầu tư vào công nghệ, sử dụng nhiều chất xám.
“Đa số những người thuộc thế hệ như tôi đều làm ruộng, có vùng phát triển giới hạn, còn công nghệ thông tin là không biên giới, không giới hạn”, ông tin chắc như vậy.

Trò chuyện với TS. Nguyễn Hữu Lệ

Miền Trung sẽ trở thành một vùng năng động mới. Ông có tin như vậy không?

Tôi tin. Rất nhiều doanh nghiệp đang tìm đến miền Trung cho phát triển trong tương lai, khi mà ở miền Nam với TP.HCM và miền Bắc với Hà Nội không còn nhiều đất cho mở nhà máy hay công xưởng. Thêm vào đó, miền Trung có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều lãnh đạo tỉnh rất tâm huyết.

Đó là lý do ông chọn Bình Định để đầu tư 8 triệu USD cho Công viên sáng tạo?

Có 3 lý do cốt yếu để tôi chọn đầu tư vào Bình Định. Thứ nhất, đây là quê tôi. Thứ hai, tôi muốn chuẩn bị nguồn nhân sự từ nhóm sinh viên các trường đại học, cũng là cách kiểm soát chi phí khi mặt bằng lương ở TP.HCM cao, cạnh tranh nhân sự lớn.

Và thứ ba là sự tâm huyết, quyết liệt, không tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo Bình Định. Tôi còn nhớ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định gặp tôi một lần, Chủ tịch UBND tỉnh gặp tôi 2 lần để trao đổi về việc cân nhắc đầu tư vào tỉnh. Thực sự, Dự án Công viên sáng tạo TMA ở Quy Nhơn có phần công lớn của lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Ông đã trao quyền cho thế hệ trẻ ở TMA như thế nào, thưa ông?

Tôi chỉ giúp đầu tư và tư vấn, xem xét lại kế hoạch tổng thể, còn việc tư vấn, xây dựng mọi thứ chi tiết thì các bạn khác phải làm.

Người trẻ có thể chưa có tầm nhìn xa vì cuộc đời con người đều có trật tự thời gian. Tôi tin là những người đi trước có sự từng trải vẫn còn hữu ích. Tài sản lớn nhất ông trời cho tôi là chất xám và tôi muốn tận dụng hết năng lực của mình.