Vì sao Rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên tiêu?
Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Ít ai biết rằng tại sao Rằm tháng giêng lại được gọi là Tết Nguyên tiêu.
Trong tiếng Hán, “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm; nguyên tiêu ý nói là đêm rằm đầu tiên trong năm. Vì thế, nó còn được gọi là lễ Thượng nguyên, bên cạnh Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười). Hai chữ “nguyên tiêu” cho thấy ngày lễ này gắn với ban đêm, như câu chuyện về sự tích Tết Nguyên tiêu của Trung Quốc.
Sự tích: Nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán
Truyện kể rằng vào đời Hán, có cô gái trẻ sống trong cung không được phép về thăm cha mẹ vào ngày 15/1 (âm lịch), quá đau buồn nên có ý định lao xuống giếng tự tử. C
ảm động trước lòng hiếu của cô gái, vị quan cận thần của Hoàng đế nghĩ ra một kế giúp cô. Ông tâu vua rằng vào ngày 16/1, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa, trước đó một hôm, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường.
Theo lệnh của Vua, vào rằm tháng Giêng, nhà nhà đều treo đèn lồng. Nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai biết.
Sự tích: Truyền thuyết về con thiên nga
Truyền thuyết khác kể, con thiên nga mà Ngọc Hoàng rất yêu quý trong một lần bay xuống hạ giới chơi đã bị người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15/1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần không đồng ý với quyết định này của Ngọc Hoàng. Họ liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh.
Thế là vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc Hoàng nhìn xuống tưởng rằng nhà cửa, làng mạc ở dưới đã bị phóng hỏa, thiêu rụi. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.
Ý nghĩa đặc biệt
Tết Nguyên tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước Trăng rằm) cho đến nửa đêm 15 tháng Giêng Âm lịch.
Bắt nguồn từ câu chuyện nàng cung nữ tên Nguyên Tiêu nói trên mà Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình.
Vào ngày này, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau, nấu ăn, hàn huyên nói chuyện, sau đó cùng thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng.
Ở Việt Nam, hàng nghìn phật tử viết điều ước lên những cánh hoa đăng lung linh rồi thả xuống sông để cầu nguyện cho một năm mới bình an, hạnh phúc.
Ở Trung Quốc, người dân đón Tết Nguyên tiêu bằng cách treo hàng nghìn chiếc đèn lồng đầy màu sắc, giải các câu đố treo trên đèn lồng, ăn bánh trôi và đoàn tụ với gia đình. Bánh trôi là món không thể thiếu trong Tết Nguyên tiêu của người Trung Quốc, Singapore và cộng đồng nói tiếng Hoa.
Đối với người Thái, Rằm tháng Giêng còn gọi là lễ hội Phật giáo Makha Bucha. Vào ngày này, hàng nghìn người tập trung tại ngôi chùa nổi tiếng Wat Phra Dhammakaya, Bangkok để tiến hành nghi lễ và thắp sáng 100.000 đèn lồng.
Tại Đài Loan, thay vì thả đèn nước thì nhiều người ghi những câu ước nguyện vào đèn lồng và thả bay lên trời trong dịp Tết Nguyên tiêu.
Việt Hương (T/h)