Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo Trưởng đại diện quỹ Nhật Bản Genesia Ventures ở Việt Nam, các nhà đầu tư rất tin tưởng vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, kỳ vọng sẽ trở thành thị trường lớn.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo hu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. (Nguồn: hoilhpn.org.vn)
Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang rất tin tưởng vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới.
Theo báo cáo của Do Ventures (Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu, đóng vai trò như một đối tác chiến lược cho cả các công ty startup và nhà đầu tư với tổng nguồn vốn quản lý 50 triệu USD – Số vốn này đến từ những nhà sáng lập của các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và các tổ chức đầu tư nổi tiếng của Hàn Quốc và Singapore như NAVER, Sea, Vertex Holdings, Woowa Brothers…), năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.
Báo cáo cho thấy tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Năm vươn lên xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo thống kê của Văn phòng Đề án 844, trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.
Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 (Đề án 844) và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển theo chiều sâu, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg.
Theo đó, bổ sung mục tiêu của Đề án như xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước; hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế trong đào tạo, huấn luyện, tư vấn chuyển giao công nghệ, đầu tư, phát triển thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp dịch vụ cho các khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi ngành, vùng, địa phương.