Những ngày này, tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, nhất là tại “tâm dịch” Hải Dương luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát khi Tết Tân Sửu cận kề, Hải Dương đã nhanh chóng kích hoạt trở lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch. Trong đó, vai trò của hệ thống y tế và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ đã luôn được đề cao, phát huy. Đến cuối tháng 2/2021, Hải Dương đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng với hàng trăm nghìn lượt người được lấy mẫu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng được huy động công suất tối đa lên mức 60.000 – 80.000/ngày (mẫu gộp) để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trên diện rộng.

Các y, bác sỹ ở Hải Dương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân. (Ảnh: LG).

Chắc hẳn mọi người vẫn nhớ thời điểm cách đây hơn nửa năm, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện ở Việt Nam, thì tại thành phố Đà Nẵng cũng đã chứng kiến sự nỗ lực thầm lặng nhưng rất can trường của hàng trăm cán bộ, y, bác sỹ. Hình ảnh những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về virus… đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sự cảm phục trong lòng người dân cũng như bạn bè quốc tế. Những “chiến binh áo trắng” đã phát huy truyền thống y đức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của ngành y tế; đồng thời, góp phần thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin trong cộng đồng xã hội; tạo lên sức mạnh tổng hợp để góp phần cùng với chính quyền và Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thành phố Đà Nẵng đã kịp thời, quyết liệt cách ly toàn thành phố; thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch với hơn 60 “điểm nóng” có dịch; thiết lập 61 cơ sở cách ly y tế để tổ chức cách ly tập trung cho gần 12 ngàn người có tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 320 nghìn người dân…Trên tuyến đầu chống dịch, tại các khu cách ly, các điểm lấy mẫu xét nghiệm, giữa vòng nguy hiểm của “tâm dịch” nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, đội ngũ y, bác sĩ Hải Dương vẫn luôn phát huy trách nhiệm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để sát cánh cùng Nhân dân “đánh giặc” COVID-19. Không chỉ tình nguyện ngày đêm truy vết lấy mẫu những người nghi ngờ mắc COVID-19, những “chiến binh áo trắng” còn thầm lặng ngày đêm phân luồng, cách ly, xét nghiệm, khám bệnh và điều trị chăm sóc cho những người bệnh COVID-19 đang điều trị. Họ đã thực sự quên mình để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đặc biệt, trên hành trình phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta còn được chứng kiến tinh thần đoàn kết của đội ngũ thầy thuốc trong cả nước với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại một số địa phương thì các y, bác sỹ ở những thành phố lớn, những cơ sở y tế tuyến đầu đã không quản nguy hiểm, tình nguyện chi viện cho “tâm dịch”. Đã có hàng trăm lượt y, bác sỹ từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho hệ thống y tế của Đà Nẵng. Từ cuối tháng 01/2021 đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hải Dương, Đắk Lắk… cũng nhận được sự chi viện về cả y, bác sỹ và các phương tiện, trang, thiết bị y tế. Đây là những nguồn lực quan trọng để các địa phương từng bước khống chế, kiểm soát dịch bệnh.

Tính đến cuối tháng 02/2021, dịch COVID-19 vẫn không ngừng lây lan trên toàn thế giới với hơn 110 triệu người mắc COVID-19, hơn 2,5 triệu người đã tử vong. Tại Việt Nam, tuy dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát; cả nước tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong “kỳ tích” này, luôn có những dấu ấn quan trọng của đội ngũ y, bác sỹ cả nước. Trên tuyến đầu chống dịch, nhiều “chiến binh áo trắng” đã thực hiện nhiệm vụ liên tục từ 10 – 12 giờ mỗi ngày. Chúng ta không khỏi xúc động trước hình ảnh những y, bác sỹ gục thiếp trên bàn làm việc vì quá mệt hay những điều dưỡng viên lả đi vì kiệt sức sau nhiều giờ tham gia chống dịch. Dù hiểm nguy, vất vả, nhưng hơn bao giờ hết các y, bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước vẫn đang chạy đua cùng thời gian, thầm lặng hy sinh, cống hiến để cùng cả nước chống dịch.

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2021), là dịp để mỗi chúng ta cùng tri ân và gửi những lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến đội ngũ y, bác sỹ cùng ngành y tế cả nước. Hơn một năm qua, cả hệ thống y tế và mỗi cán bộ, y, bác sỹ đã luôn “căng mình” để cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19. Với cả tình yêu nghề, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm, những “chiến binh áo trắng” đã không ngại gian khổ, nguy hiểm, hy sinh cuộc sống cá nhân, gia đình và người thân để tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Họ đã nỗ lực không mệt mỏi với lời hứa “khi chưa hết dịch thì chưa về nhà”. Họ thực sự xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ mẫu”.

Xã hội cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ – những “chiến binh áo trắng” luôn xung kích trong “trận chiến” với dịch COVID-19!

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, công tác phòng, chống dịch được xác định là “cuộc chiến” phức tạp, lâu dài của toàn dân. Ghi nhận, tri ân những cống hiến thầm lặng của đội ngũ y, bác sỹ, mỗi cá nhân và cả cộng đồng cũng cần chung tay góp sức, đồng hành cùng họ trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bởi lẽ, mọi sự nỗ lực của cả hệ thống và tất cả sự hy sinh của đội ngũ y, bác sỹ rất có thể sẽ trở thành vô nghĩa nếu vẫn còn những cá nhân vô trách nhiệm, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sỹ và sức mạnh toàn dân sẽ là vũ khí quan trọng để chúng ta có thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Nguyên Phương