Vải thiều hứa hẹn được mùa
Để có được vụ vải thiều năng suất, chất lượng và cho hiệu quả kinh tế cao, huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào chăm sóc vải thiều giai đoạn ra hoa nhằm đạt tỷ lệ đậu quả cao.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vải, nên năm nào diện tích vải thiều 1,5ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Lường Văn May, sinh năm 1960 ở thôn Hóa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) cũng cho năng suất, chất lượng và giá trị cao.
Chỉ tính từ 2018 đến nay, năm nào vườn vải thiều của gia đình ông May cũng cho thu hoạch từ 6 – 16 tấn quả/vụ/năm, với giá bán trung bình đạt 30 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí, đem lại thu nhập cho gia đình trên 400 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng vải thiều của ông May, thời điểm cây vải thiều ra hoa là lúc cần tập trung tỉa cành, tạo hình cho cây bằng cách dùng kéo cắt cành cắt bỏ hết các cành nhỏ, cành tăm, cành bị sâu bệnh, các cành mọc chen trong tán, đặc biệt là các chồi vượt vừa mọc ra nhằm làm cho tán cây thông thoáng hạn chế được sâu bệnh phát sinh, phát triển.
Kỹ thuật này cũng đồng thời còn giúp cây ức chế và kích thích phân hóa mầm hoa tốt; tăng cường dinh dưỡng cho cây khỏe hơn sẽ hạn chế được tình trạng rụng hoa, rụng quả non sau này. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, dự kiến vườn vải thiều của gia đình sẽ cho thu hoạch từ 16 – 18 tấn quả.
Ông Ngô Văn Nhuần, sinh năm 1960 ở cùng thôn Hóa, xã Tân Sơn, cho biết, từ năm 2018 đến nay, toàn bộ diện tích 2,5ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông đều cho sản lượng đạt từ 35 – 40 tấn quả/vụ/năm, với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí cũng đem lại thu nhập cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/vụ/năm.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Không những cho năng suất, chất lượng cao, mẫu mã quả đẹp được thương nhân đến tận vườn đặt mua, mà năm nào vườn vải thiều của gia đình ông Nhuần cũng cho thu hoạch muộn hơn so với các hộ trồng vải trên địa bàn từ 10 – 15 ngày.
Do đó, giá bán ở thời điểm cuối vụ luôn ở mức cao hơn so với các hộ khác, điển hình cuối vụ vải thiều năm 2019, gia đình ông Nhuần tiêu thụ 2 tấn quả với giá bán bình quân đạt 68 – 70 nghìn đồng/kg. Với kinh nghiệm sản xuất và chăm sóc vải thiều, năm nay vườn vải thiều của gia đình ông tiếp tục ra hoa đạt tỷ lệ rất cao, dự kiến sản lượng đạt trên 40 tấn quả/năm.
Nhiều năm gần đây, hầu hết các hộ dân ở những xã trên đèo của Lục Ngạn đều được mùa vải. Ngoài yếu tố thời tiết, khí hậu thuận lợi, phần lớn là do khả năng làm chủ kỹ thuật chăm sóc vải của bà con.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn cho biết, những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăm sóc nên giá trị thu về từ quả vải của các xã vùng cao của huyện tăng cao gấp nhiều lần so với trước.
Người dân các xã như Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Phong Vân… còn tích cực áp dụng quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng, mẫu mã quả vải không ngừng nâng cao.
Quả vải to đều, chín đỏ đẹp, vị ngọt đậm, vận chuyển không bị dập nát. Do điều kiện thời tiết và đất đai của các xã này có nhiều khác biệt so với xã vùng thấp nên quả vải nơi đây chín muộn hơn từ 10 – 15 ngày. Vì vậy, vải thiều muộn vùng cao Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng, dễ tiêu thụ. Nhờ đó, vụ vải năm 2020, Tân Sơn và Hộ Đáp là 2 trong số 6 xã trong huyện được cấp mã vùng sản xuất vải thiều xuất sang thị trường Nhật Bản.
Hiện nay, UBND huyện Lục Ngạn đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc vải thiều thời kỳ ra hoa. Cùng đó, huyện tiếp tục định hướng người dân sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lập danh sách và lựa chọn thêm 178ha vải thiều có đủ điều kiện để tiếp tục chỉ đạo chăm sóc phục vụ xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.