Nhận định về những nhiệm vụ này, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta nói chung và chính sách BHXH nói riêng.

Ông Nguyễn Thế Mạnh. 

Phóng viên (PV): Năm 2020 là một năm đầy khó khăn của toàn xã hội. Vậy BHXH Việt Nam đã có những biện pháp gì để vượt khó, thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH (gọi tắt là Nghị quyết 28), thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, khởi động mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch (PCD) nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa hoặc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Là cơ quan Chính phủ chuyên trách thực hiện các chính sách BHXH, BHYT-hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội-BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban chỉ đạo quốc gia về PCD. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 như: Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng của doanh nghiệp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tháng 11-2020, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng “VssID-BHXH số” trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…

PV: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 28, đã nảy sinh những vướng mắc, hạn chế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam đã có những tổng kết, nhận diện về một số tồn tại, hạn chế. Ví như hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong quá trình tổ chức thực hiện có bất cập, vướng mắc nhưng chưa được điều chỉnh; một số văn bản hướng dẫn triển khai luật BHXH, BHYT còn chậm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời. Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt…; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia. Số người tham gia BHXH mới đạt trên 16 triệu người (chiếm khoảng 32,6% lực lượng trong độ tuổi). Số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có sự gia tăng đột biến những năm qua, hoàn thành trước chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết 28 nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng; số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hằng năm dẫn tới mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người lao động bị ảnh hưởng. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương; tính tuân thủ luật pháp ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phổ biến…

Một điểm thu bảo hiểm xã hội tự nguyện ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: ANH BÙI

PV: Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, thời gian tới ngành BHXH Việt Nam sẽ thực hiện những giải pháp gì?

 Ông Nguyễn Thế Mạnh: Trước mắt, trong năm 2021, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu với Chính phủ, Quốc hội trong xây dựng, hiện thực hóa các định hướng của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; điều chỉnh điều kiện thời gian tham gia BHXH linh hoạt hơn, lương hưu được tính dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, bảo đảm công bằng, chia sẻ và bền vững. Tăng cường liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thiết kế nhiều gói BHXH tự nguyện để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp tham gia và chuyển sang bảo hiểm bắt buộc khi có đủ điều kiện. Cùng với đó, đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Mặt khác, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ ngành BHXH; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nghiên cứu, thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ BHXH điện tử… Mục tiêu năm 2021, BHXH Việt Nam phấn đấu, phát triển đạt khoảng 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28,5% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 DIỆP CHÂU