‘Nhặt sạn’ phim ‘Bố già’ của Trấn Thành
Hãy thử làm một khán giả khó tính, nhặt sạn từ bộ phim có sức hút kỳ lạ đang được công chiếu các rạp trên toàn quốc xem “Bố già” còn những điều gì đáng tiếc.
1. Điểm trừ đầu tiên của “Bố già” là kịch bản phim không có tầm vóc tác phẩm điện ảnh. Lấy cảm hứng từ phiên bản web drama cùng tên được Trấn Thành cho ra mắt năm 2020, kịch bản của Bố già bản điện ảnh dù có nội dung khác hẳn nhưng cũng không đủ làm người khó tính thích thú thực sự. Nó vẫn khiến người ta liên tưởng đến một bộ phim sitcom hơn là tác phẩm điện ảnh.
Kịch bản Bố già là câu chuyện khá đơn giản, cách đặt vấn đề và giải quyết nó chưa thực thấu đáo. Giống như Trấn Thành từng thừa nhận, phim có rất ít cú twist nên đề nghị khán giả không kể nội dung, không quay trộm hình ảnh khi xem phim. Thậm chí, đôi khi, các tình tiết trong phim còn khiến người xem thấy khiên cưỡng. Ví dụ như ông Sang sẵn sàng hôn thằng con trai U30 của mình nhưng lại không thể nói ra lý do ông chọn lối sống bao đồng và ông thương con thế nào.
Diễn xuất của các nghệ sĩ trong “Bố già” vẫn bị xem là kịch.
Bên cạnh đó, tình tiết xuất hiện mẹ ruột Bù Tọt (Minh Tú đóng), mấu chốt những rắc rối của Quắn lại không được giải quyết một cách thấu đáo. Cô đến, tạo ra các nút thắt, mở của câu chuyện gia đình ông Sang nhưng lại biến mất một cách khó hiểu, cứ như bắt khán giả tự đoán, thật kỳ lạ. Kết của phim cũng được đánh giá là khiên cưỡng, có ý đồ nhắc nhở, giáo dục người xem nên không gây bất ngờ, thậm chí là hụt hẫng.
2. Một trong những yếu tố quan trọng của một bộ phim là phần lời thoại. Từ đó, người ta mới có thể hiểu được nhân vật, cá tính và đường dây tác phẩm. Như đã nói ở trên, Bố già vẫn gần với một bộ phim sitcom hơn là điện ảnh. Vì thế, thoại trong phim cũng mang tính truyền hình khi kể lể nhiều, thiếu tiết chế để đắt giá hơn. Những màn cãi nhau của nhân vật được tính toán kỹ về câu chữ, có phần giáo điều, khiến cho nó mất đi vẻ tự nhiên vốn có.
3. Phần đông khán giả đều công nhận dàn diễn viên của Bố già đã làm khá tốt vai trò của mình trong bộ phim. Trong đó, Tuấn Trần được đánh giá là có bước tiến vượt bậc về diễn xuất. Nam diễn viên hoá thân vào một anh chàng đại diện cho thế hệ GenX (thế hệ phát triển nhanh trên nền tảng kỹ thuật số) với nhiều tầng cảm xúc, phức tạp và có chuyển biến nhanh về tâm lý. Các vai diễn khác lại mang nhiều nét sân khấu khiến cho mạch phim giảm đi sự tự nhiên, mà nặng nề và cường điệu. Nhiều khán giả còn bình luận, Bố già cứ làm quá mọi thứ, tưởng là đem lại chút nụ cười nhưng lại là sự đánh đổi không đáng.
4. Tạo hình nhân vật cũng là một trong những điểm yếu của phim. Vai diễn chính ba Sang do Trấn Thành thủ vai là điển hình cho sự đáng tiếc này. Vốn là người lao động nghèo, công việc chủ yếu là đi giao gạo cho cửa hàng của chị gái, đáng nhẽ ông Sang phải có vóc dáng rắn rỏi và khắc khổ. Tiếc là, Trấn Thành trẻ hơn tuổi của Bố già nên không thấy dấu vết thời gian trên khuôn mặt.
Thêm nữa, dù đã cố gắng để hoá trang râu, tóc và những dấu đồi mồi trên má thì vẫn không thể dấu đi nổi tuổi tác thật của diễn viên cùng thân hình của một người trẻ tuổi. Thành thử, vai diễn của anh khiến cho người ta thấy “kịch”, chưa thực sự sống trong đời sống nhân vật như nó cần phải vậy. Một vài người hài hước bảo, nhìn ba Sang cứ gọi tên Trấn Thành là vì vậy.