Bệnh nhân cho biết cách đây một thời gian, ông có đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh gout. Tuy nhiên, khi về nhà, bệnh nhân này đã không điều trị theo chỉ định của bác sĩ, mà tự tìm mua thuốc đông y trên mạng.

Sau một thời gian điều trị, chân ông ngày càng bị sùi lên, to thành cục gây đau và đi lại khó khăn.

Bệnh gout gây đau đớn và đi lại khó khăn

Theo bác sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, tình trạng của bệnh nhân nói trên nếu để lâu sẽ khiến khớp xương bị phá hủy. Ngoài ra, loại thuốc của bệnh nhân sử dụng có chứa thành phần Corticoid, nếu dùng lâu ngày có thể gây nên những tác dụng phụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, suy tuyến thượng thận.

Bác sĩ Tùng khuyến cáo rằng mọi người khi có bệnh nên đến khám ở các cơ sở uy tín, điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Sử dụng thuốc đông y phải có nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm định rõ ràng vì chúng ta đã thấy có nhiều bằng chứng về việc không ít thuốc đông y trôi nổi trên thị trường được trộn thành phần có thuốc tây.

Bệnh gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axít uric từ trong máu. Với người bị bệnh gout, lượng axít uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axít uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp, gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

Để phòng bệnh gout, mọi người cần tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng hợp lý. Đặc biệt cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn nội tạng, hải sản và thịt đỏ… Không uống cà phê, trà, nước uống có gas, đồ uống có cồn. Bệnh gout có thể làm cho người bệnh căng thẳng, đau đớn và mất ngủ nhưng gout có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa được bằng việc thay đổi chế độ ăn.
Bài và ảnh: Diệu Thu