Bà giáo miệt mài gieo con chữ
Tối nào cũng vậy, từ sau 17h đến 19h từ thứ Hai đến thứ Sáu, Trung tâm Văn hóa thể thao – học tập cộng đồng phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) lại sáng đèn. Hơn 6 năm qua, nơi đây đã và đang duy trì một lớp học tình thương cho gần 30 học sinh.
Vì không có giáo viên nên một mình bà dạy cùng lúc các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5
Điều đặc biệt hơn cả là bà giáo đảm trách lớp học nay đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn ngày ngày tận tụy gieo con chữ cho những học trò nghèo.
Niềm hạnh phúc không gì so sánh được
Bà Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1948) trước đây là giáo viên dạy môn Tiếng Việt lớp 5 ở Trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (Bình Dương). Từ khi nghỉ hưu, bà mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhưng cứ đến chiều tối bà lại đứng trên bục giảng ở lớp học tình thương. Không chỉ dạy chữ cho các em, bà còn dành phần thu nhập ít ỏi của mình để san sẻ cho học trò, giúp các em yên tâm đến lớp.
Bà kể, khi rong ruổi trên những con đường để mưu sinh, bà gặp rất nhiều trẻ mù chữ, có em còn không có giấy khai sinh nên không thể đến trường. Trăn trở trước những mảnh đời nhỏ bé, bà tìm cách giúp đỡ các em bằng cách xin vào dạy ở lớp học tình thương của phường. “Tôi tâm nguyện sẽ đem hết kiến thức mấy mươi năm trên bục giảng để dạy cho các em biết đọc, biết viết. Hơn nữa, được tiếp tục đứng trên bục giảng chính là niềm hạnh phúc không gì so sánh được đối với một nhà giáo”, bà chia sẻ và cho biết, thấy nhiều hoàn cảnh cơ cực quá, nên trước đây thay vì bán 50 tờ vé số đã tạm đủ để trang trải cuộc sống thì nay bà cố gắng bán thêm 50 tờ nữa. Số tiền lời bà dùng để tặng cho các em quá khó khăn mỗi tháng 5 kg gạo để các em yên tâm đến lớp. “Hành trình tôi đi dạy đến nay đã bước qua năm thứ 6 rồi, thật sự tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi ngày ngày chứng kiến các em học tập tiến bộ”, bà Ba xúc động.
Trong lúc chúng tôi ngồi trò chuyện với bà trước giờ vào lớp, các em học sinh đều đến khoanh tay cúi chào bà giáo rồi chào lần lượt những người lớn đang có mặt. Sự lễ phép và nề nếp của các học sinh trong lớp học tình thương làm cho ai lần đầu chứng kiến đều cảm thấy thật bất ngờ. Lấy trong túi ra xấp bài viết của học trò mà bà mang về chấm điểm, bà khoe đây chính là “tài sản vô giá” của mình.
Chị Đặng Thị Bích Liễu có 3 con cùng học lớp tình thương này, bùi ngùi chia sẻ, chị từ Cam Ranh (Nha Trang) vào Bình Dương được 1 năm thì biết đến lớp của bà Ba nên đến xin cho mấy đứa con vào học. Chị là mẹ đơn thân, làm thuê làm mướn gánh gồng nuôi đàn con nhỏ nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không có điều kiện cho con đến trường. “Lúc mới vào đây tôi rất buồn vì các con phải dang dở việc học, nay thì tôi đã yên tâm hơn vì đứa nào cũng đọc viết thông thạo, lại lễ phép ngoan ngoãn. Tôi biết ơn bà Ba và lớp học nhiều lắm”, chị Liễu rơm rớm nước mắt.
Dù tuổi cao sức yếu, nhưng bà giáo luôn cần mẫn lên lớp đều đặn
Được trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020
Biết được lớp học tình thương của bà giáo Ba, nhiều nhà hảo tâm đã mang phần ăn đến tặng để các em ăn lót dạ trước giờ lên lớp. Những hôm không có phần ăn bên ngoài hỗ trợ thì UBND phường Phú Cường trích kinh phí để chi cho người nấu cơm mang tới cho các em. Phòng học là một dãy hành lang nối liền phòng học trên tầng 1 của Trung tâm Văn hóa thể thao – học tập cộng đồng, được cải tạo lại và trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết cho một lớp học thông thường. Sau khi học sinh ổn định chỗ ngồi, bà giáo Ba bắt đầu kiểm tra bài cũ và dạy bài mới. Cả 5 lớp đều học cùng nhau nhưng phần bài ai người ấy tự giác làm. Dù mắt đã kém nhưng bà giáo già vẫn nắn nót từng nét phấn lên tấm bảng đen, giọng bà chậm rãi, rõ ràng bắt đầu bài học mới… Được biết, lớp học hiện tại có 23 học sinh rải đều từ lớp 1 đến lớp 5 với nhiều hoàn cảnh, độ tuổi. Em nhỏ nhất mới 6 tuổi, còn lớn nhất đã 17 tuổi. Thời điểm đông nhất lớp có khoảng 30 học sinh. 19h, lớp học kết thúc cũng là lúc bà Ba đi bộ về nhà trọ. Trên đường về, bà tranh thủ mời khách mua những tờ vé số của ngày hôm sau, để lại tiếp tục hành trình gieo con chữ cho những mảnh đời cơ cực…
Ông Tạ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường cho hay, mấy năm nay lớp học chỉ có mình bà Ba phụ trách chính, bà dạy môn Tiếng Việt cho tất cả học sinh. Mới tuần vừa rồi có thêm một giáo viên vào dạy Toán mỗi thứ Tư hằng tuần. “Bà Ba dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn rất minh mẫn, luôn cập nhật kiến thức để dạy cho học sinh có hiệu quả nhất. Lớp có nhiều trình độ nhưng do không có giáo viên nên buộc phải dồn vào học chung, tuy khó khăn nhưng trước mắt phường cũng chưa có giải pháp gì. Chúng tôi đã có tính đến phương án tuyển thêm giáo viên để chia sẻ gánh nặng cho bà Ba, nhưng cũng chưa thực hiện được”, ông Hiếu cho hay. Ngoài khó khăn về nguồn giáo viên thì lớp học cũng đang khó khăn về đầu ra. Đối với các em đã học xong lớp 5, có điều kiện và còn trong độ tuổi quy định, muốn đi học tiếp (hệ bổ túc) nhưng chưa có cơ sở để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. “Phường đã đề xuất vấn đề này lên các cơ quan chức năng, lên Sở GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, lớp học chỉ dừng lại ở việc dạy cho các em đọc, viết, tính toán cơ bản”, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường bày tỏ.
Được biết, bằng việc làm cao quý, cống hiến cho cộng đồng, bà Nguyễn Thị Ba là một trong 10 cá nhân đã được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020 vừa qua.
ANH HUY