Xử phạt vi phạm giao thông: Tăng tiền phạt là cần thiết nhưng chưa đủ
Chính bởi vậy, Bộ GTVT khẳng định, việc tăng mức xử phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ là rất cần thiết. Những vấn đề trên sẽ được giải quyết khi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Với văn bản luật này, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân từ năm 2022 sẽ tăng mạnh.
Chế tài mạnh không phải là tất cả
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, chế tài xử phạt nghiêm khắc rất cần thiết, nhưng không thể xem đây là thanh “thượng phương bảo kiếm” để lập lại trật tự trong lĩnh vực giao thông. Trên thực tế, khi nói về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông hay bất cứ lĩnh vực nào khác, điều đầu tiên người thường hay nhắc đến đầu tiên là mức xử phạt bao nhiêu? Điều đó có nghĩa, chế tài xử phạt là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa chế tài xử phạt là tất cả.
Theo phân tích của chuyên gia giao thông này, nếu chế tài xử phạt nghiêm khắc, người vi phạm khi đối diện với hành vi vi phạm nào đó sắp xảy ra sẽ có sự đắn đo, suy nghĩ. Điều này có thể thấy rõ với hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Sau khi chế tài xử phạt đối với hành vi này được nâng lên rất cao trong Nghị định 100/2019 thì những “ma men sau tay lái” đã giảm hẳn. Thậm chí, trong thời gian đầu khi lực lượng chức năng ra quân thực hiện Nghị định 100/2019, nhiều quán bia, quán nhậu đã rơi vào tình trạng vắng vẻ một cách không ngờ.
TS Nguyễn Hữu Đức tái khẳng định, mức xử phạt chỉ là một phần mà quan trọng hơn là tính nghiêm túc của việc thực thi pháp luật. Bởi đôi khi chỉ cần một lời nhắc nhở có sức nặng của cán bộ công an cũng khiến người tham gia giao thông thay đổi nhận thức một cách rõ ràng. Còn nếu chế tài cao mà thực thi không nghiêm túc sẽ chẳng những không có hiệu quả mà còn có thể nảy sinh tiêu cực. “Không phải cứ nâng cao chế tài xử phạt sẽ có tác dụng nếu không có những điều kiện khác. Ví dụ như bản thân các lực lượng thực thi pháp luật phải thật sự nghiêm chỉnh, gương mẫu” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội đặt vấn đề nếu tăng mức phạt, cơ quan quản lý phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch trong đội ngũ xử phạt và công khai số tiền thu được sẽ sử dụng vào lĩnh vực nào. Việc nghiên cứu tăng chế tài xử phạt đối với đội ngũ xử phạt vi phạm giao thông cũng cần thiết không kém so với chế tài xử phạt dành cho người vi phạm giao thông. Bởi có chế tài này thì mới hạn chế được tiêu cực trong đội ngũ thực thi pháp luật. “Mọi người đều bình đẳng với nhau trước pháp luật.
“Khi nhìn nhận về một văn bản luật chúng ta không nên chỉ quan tâm đến việc chế tài xử phạt mà cái cần quan tâm là tính khả thi cũng như hiệu quả mà văn bản luật ấy mang lại. Ví dụ như Nghị định 100/2019, đây là văn bản luật có chế tài xử phạt rất mạnh và thời gian đầu khi thực thi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhưng hiệu quả này không tới từ chế tài mạnh mà bắt nguồn từ công tác thực thi của lực lượng chức năng thời gian đó rất mạnh, đồng bộ và hiệu quả. Nếu không có sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, Nghị định 100/2019 có lẽ đã rất thành công rồi.” – Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức |
QUÝ NGUYỄN