“Ngay cả năm 2022, toàn bộ sản lượng của DN cũng đã chốt với khách hàng, chỉ chưa chốt đơn giá do giá phụ thuộc sự biến động của nguyên liệu đầu vào. Nhu cầu găng tay y tế vẫn tiếp tục cao trong 5 năm tới, dù có thể giá không còn sốt như thời gian qua. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh nên các nước đều tăng cường dự trữ quốc gia, đây là mặt hàng có thời gian sử dụng từ 3-5 năm. Ngoài việc dùng trong ngành y tế, mặt hàng này còn được dùng trong ngành điện tử, chế biến thực phẩm cũng như trong gia đình ngày càng nhiều” – ông Phú dự báo.

Bên trong nhà máy sản xuất găng tay y tế, hiện tay sứ phải nhập khẩu 100%

Ông Dương Duy Phú thông tin thêm trước khi có dịch Covid-19, nhà máy hoạt động khoảng 70%-80% công suất, 80% sản phẩm xuất khẩu, 20% bán trong nước. Năm 2020, trước nhu cầu đột biến của thị trường, nhà máy hoạt động 100% công suất với sản lượng 2,5 tỉ chiếc/năm, 30% phục vụ nội địa, trong đó có nhiều đơn hàng ưu đãi cho các bệnh viện, thị trường xuất khẩu như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand… Để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, DN đã liên kết với đối tác để nâng công suất nhà máy lên 5 tỉ chiếc/năm (gấp đôi hiện tại) và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10 tới.

Là ngành “may mắn” trong bối cảnh dịch bệnh khi ở trong chuỗi cung ứng sản phẩm chống dịch nhưng DN cũng gặp một số khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng như: phụ gia tăng giá 20%, nguyên liệu mủ nitrile tăng từ 1.300 USD/tấn lên 4.000 USD/tấn, thời gian nhận hàng kéo dài do thiếu container. Đặc biệt, tay sứ (tạo hình cho găng tay) là mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, phải đặt hàng từ Malaysia, dù là đối tác lâu năm nhưng từ khi đặt hàng đến nhận hàng cũng phải mất cả năm.

Tin-ảnh: Ng.Ánh