Ôtô, nhà cửa, nội thất đua bán online
Ngày 24/3, VinFast công bố nhận đặt hàng mẫu ôtô điện đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh hệ thống showroom, đại lý, khách hàng cũng có thể đặt cọc thông qua trang web của hãng. Trước đó, trang web này cũng được khách hàng VinFast sử dụng để mua các loại xe máy điện, ôtô khác.
Như vậy, đến nay, xu hướng xây dựng showroom và bán hàng trực tuyến không còn giới hạn trong các ngành hàng tiêu dùng thông thường, mà ngày càng phổ biến hơn, kể cả với những sản phẩm trị giá tiền tỷ.
Mua xe, mua nhà chỉ sau vài cú click chuột
“Tất nhiên, trước khi bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua tài sản lớn, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và trải nghiệm thực tế. Nhưng tôi thấy đa số doanh nghiệp đang bán hàng trực tuyến hiện nay đều đã có uy tín. Chưa kể, không ít người có lẽ đã đến showroom xem sản phẩm hoặc dùng thử của người thân, bạn bè, sau đó mới mua online để hưởng ưu đãi”, anh P.N., vừa đặt cọc mua xe VinFast VFe34 nhận định.
Trong trường hợp của chiếc ôtô điện mới ra mắt này, anh P.N. cho biết sẵn sàng đặt cọc online do chỉ cần trả trước 10 triệu đồng và được hoàn lại nếu đổi ý.
Khách hàng có thể đặt mua ôtô VinFast với nhiều tùy chọn khác nhau trên trang web của hãng. Ảnh chụp màn hình.
Cách đó một tuần, ngày 15/3, Mercedes-Benz Việt Nam cũng công bố showroom trực tuyến, trưng bày các mẫu xe mới đang cung cấp tại thị trường Việt Nam.
Ông Bradley Kelly, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, nhận định: “Thương mại điện tử sẽ phá bỏ những giới hạn vật lý của việc mua xe và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm liền mạch”.
Thương hiệu ôtô “ngôi sao ba cánh” này xác định thương mại điện tử là tương lai của trải nghiệm mua xe. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiên phong tạo ra trải nghiệm mua sắm số hóa trong ngành ôtô nói chung cũng như xu hướng mới của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng.
Trước khi đến với thị trường Việt Nam, showroom trực tuyến đã được hãng áp dụng tại Australia, NewZealand, Nam Phi, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes – một thương hiệu khác của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cũng liên tục ra mắt các sàn giao dịch cho mua và thuê nhà trực tuyến. Theo thông tin từ doanh nghiệp, tại sự kiện mở bán online 2 tòa căn hộ tại Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) hồi tháng 6/2020, chỉ sau 1 tiếng, 50% lượng căn hộ tại tòa S1.08 và hơn 60% tòa S1.07 được bán hết.
Theo nguồn tin của Zing, một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành cũng đang rục rịch triển khai kế hoạch bán nhà online.
Chi 20 triệu đồng mở showroom online, xuất được 2 container đi Mỹ
Đầu tư showroom online cũng là lựa chọn của Công ty CP Cổ Kim Mỹ Nghệ, thay thế cho việc tham gia hội chợ truyền thống.
Chia sẻ với Zing, bà Vương Thị Ngọc Chi – giám đốc kinh doanh của công ty – cho biết, nếu không có dịch, mỗi năm doanh nghiệp đi 4 hội chợ, tức là dành khoảng 100.000 USD/năm để làm marketing. Trước đây, doanh nghiệp này còn từng tham gia gói premium trên Alibaba, chi phí 100.000 USD/năm nhưng không hiệu quả. Sau đó, doanh nghiệp chọn sử dụng gói thông thường với mức phí tầm 3.000-4.000 USD/năm.
Công ty của bà Ngọc Chi ghi hình để trình bày showroom online. Ảnh: HAWA.
“Chi phí đầu tư showroom này chỉ chưa đầy 20 triệu đồng, trong khi mỗi lần đi hội chợ truyền thống, doanh nghiệp tốn ít nhất 20.000 USD“, bà chia sẻ.
Tuy nhiên, điều làm bà bất ngờ là chỉ sau khoảng 2 tháng hoàn thiện showroom online này, doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng lớn gồm 2 container xuất khẩu đi Mỹ. Những container này đã lần lượt được xuất đi vào tháng 12/2020 và tháng 2/2021 vừa qua.
Nhờ thành công đó, doanh nghiệp càng tự tin đẩy mạnh khai thác kênh bán hàng và tiếp thị trực tuyến.
Từ tháng 8/2020 đến nay, nền tảng HOPE của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã có hơn 20.000 m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm của 70 doanh nghiệp, thu hút gần 30.000 khách tham quan đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các quốc gia có lượng khách tham quan cao nhất là Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Australia, Hàn Quốc…
Sau thời gian áp dụng, bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Gỗ Minh Dương nhìn nhận showroom online là giải pháp số hóa không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm một cách trực quan hơn, thúc đẩy khách hàng ra quyết định đặt hàng nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, cũng như với tất cả công cụ khác, bà cho rằng các doanh nghiệp cần dành thời gian tìm hiểu về cách vận hành và đầu tư nhân sự để quản lý tốt kênh này và kịp thời tương tác với khách hàng. Đồng thời, sự thay đổi mẫu mã và đầu tư hình ảnh sản phẩm, showroom cũng cần được chú trọng.
“Xúc tiến thương mại online hiện là giải pháp tạm thời nhưng sau này cũng phải được duy trì bởi đây là xu thế tất yếu. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là kênh hiệu quả có thể bổ trợ cho kết nối trực tiếp”, bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá.
Lan Anh