Chỉ số tia cực tím từ Trung Trung Bộ đến Nam Bộ có nguy cơ gây hại rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 26/3, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tại các tỉnh, thành phố từ Trung Trung Bộ đến Nam Bộ đều đạt mức nguy cơ gây hại rất cao từ 8.0 đến 9.9.
Ngày 26/3, chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành phố từ Trung Trung Bộ đến Nam Bộ đều đạt mức nguy cơ gây hại rất cao. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Dự báo, vào thời điểm 12 giờ ngày 26/3, thành phố Huế (Thừa Thiên – Huế) có chỉ số tia UV là 9.6, thành phố Đà Nẵng có chỉ số 9.9, thành phố Hội An (Quảng Nam) có chỉ số 9.7, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) có chỉ số 9.1, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ đều có chỉ số 8.0, thành phố Cà Mau (Cà Mau) có chỉ số 9.8.

Từ ngày 27-29/3, các thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng và Hà Nội có chỉ số tia UV chủ yếu đạt ngưỡng nguy cơ gây hại cao (6-7), trong khi đó các thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ đến Nam Bộ chỉ số tia UV đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (9-11).

Theo thang bảng đo chỉ số tia UV, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, trên 10.5 là đặc biệt cao, rất nguy hiểm. Tia UV có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian 25 phút khi chỉ số tia UV ở ngưỡng rất cao sẽ gây bỏng. 

Tia UV có bản chất là một bức xạ nhiệt có hại đối với cơ thể người. Tác hại của tia UV sẽ ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc trực tiếp vào bề mặt da và mắt, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về lâu về dài.

Đối với mắt, tiếp xúc thường xuyên với tia UV có khả năng dẫn đến bệnh viêm giác mạc, đau mắt đỏ, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc. Làn da nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mà không được bảo vệ, tia UV sẽ tấn công lớp hạ bì, làm cho da trở nên sạm đen (hiện tượng rám nắng da). Ngoài ra, ánh nắng cường độ cao sẽ khiến cho da mau chóng lão hóa, tạo ra nhiều nếp nhăn, gây tổn thương và thậm chí dẫn đến ung thư da. Khi đi ngoài đường, người dân có thể sử dụng kính chống tia UV để bảo vệ đôi mắt, tránh các tác hại của tia UV đến các bộ phận quan trọng của mắt như giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá tia UV xuất hiện mọi thời điểm ban ngày và hoạt động độc lập dù khi trời mưa hay nắng hay râm mát. Thời điểm cường độ tia UV mạnh nhất là từ 10 giờ đến 14 giờ trong ngày. Khoảng thời gian này người dân nên hạn chế tối đa việc di chuyển ngoài trời và khi cần thiết phải có các biện pháp phòng tia UV.

Để phòng tránh tác hại tia UV, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh. Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Hoàng Nam (TTXVN)