Sắc màu chợ nổi độc đáo qua khung cảnh từ trên cao nhìn xuống
Thủa xưa, khu chợ này được hình để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân vì hệ thống đường bộ chưa phát triển. Ngày nay, dù đường sá giao thương thuận lợi, nhưng người ta vẫn duy trì khu chợ nổi này như một nét đẹp văn hóa lâu đời.
Nhiếp ảnh gia Sebastian Hanke mang 2 dòng máu Đức – Mexico đã có chuyến thăm thành phố miền Tây, vào những ngày đầu năm 2020.
Sebastian chia sẻ, ngồi ghe quanh các kênh, rạch tham quan chợ nổi là một trải nghiệm độc đáo. “Cuộc sống trên sông vô cùng sôi động và náo nhiệt, nhất là khi sáng sớm. Tôi đã rất thích thú để xem bằng cách nào con sông có thể trở thành một khu chợ nhộn nhịp với tiểu thương từ khắp nơi kéo đến”, anh nói.
Nằm trên sông Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng và Phong Điền là tụ điểm của hàng trăm ghe, thuyền đến đây buôn bán mỗi ngày. Đây cũng là một trong những văn hóa đặc trưng của vùng sông nước, thu hút du khách tham quan.
Chợ nổi Cái Răng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km và mất 30 phút di chuyển bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. Chợ Phong Điền cách thành phố khoảng 17 km về hướng đông nam. Từ chợ Cái Răng, bạn có thể thuê ghe để đến thẳng chợ Phong Điền.
Các con sông có vai trò thiết yếu trong cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng kết nối các thành phố, làng mạc, thị trấn, cho phép người dân di chuyển và mua bán dễ dàng hơn.
Ở đây, ghe và thuyền là phương tiện để vận chuyển hàng hóa và di chuyển. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, chủ yếu là các loại hoa quả.
Hình thức chào hàng của những chợ nổi ở miền Tây là sử dụng cây bẹo. Ghe bán gì thì treo thứ đó lên cây sào cao từ 3 – 5 m để người mua có thể nhận biết từ xa. Nhìn các loại thực phẩm được treo trên đây, bạn có thể biết ghe đang cung cấp, bán sản phẩm nào.
Mỗi chiếc ghe là một cửa hàng di động. Không chỉ mua bán thực phẩm, bạn có thể trải nghiệm ẩm thực ngay trên sông với nhiều hàng quán trên ghe, thuyền.
Không bàn ghế cầu kỳ, người đi chợ vẫn có thể thưởng thức những món ăn dân dã.
Việc treo đồ trên cây sào còn có nhiều thông điệp mà người dân ngầm hiểu với nhau, như “không treo mà bán” là những ghe phục vụ đồ ăn, uống như hủ tiếu, bánh canh, cà phê…
Chợ nổi thường họp từ 5h, nhộp nhịp nhất khi mặt trời lên lúc 5h30 – 6h rồi vãn dần từ 8h. Du khách thường đến đây từ sáng sớm để đón bình minh và cảm nhận hơi thở cuộc sống sông nước của người dân miền Tây.
Người dân buôn bán với nhau từ ghe này qua ghe khác bằng cách tung hứng hoặc chuyền tay các món đồ. Các mặt hàng chủ yếu tại chợ là nông sản, đồ thủ công và nhu yếu phẩm. Hoà mình vào không khí của buổi chợ, du khách có thể tìm hiểu cuộc sống sông nước của người dân, trên những “căn hộ di động” với đầy đủ tivi, bếp nấu, cây cảnh…
Sebastian cho biết, chợ nổi là một trong những địa điểm ấn tượng nhất trong chuyến thăm Việt Nam của anh. Anh cũng rất thích thú với những món ăn ngon và ấn tượng với sự thân thiện, dễ mến của người dân nơi đây.
Ngọc Anh