Thực hiện kế hoạch chấn chỉnh nạn quảng cáo cho vay nặng lãi trá hình, quảng cáo “bẩn”, ngày 28-3, Công an phường Vĩnh Lạc và Công an phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã đi kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính 7 đối tượng có hành vi rải, dán tờ rơi quảng cáo hoạt động cho vay.

Nhiều địa phương cùng “ra quân”

Các đối tượng trên khai nhận từ tỉnh Hà Nam, TP Hải Phòng vào TP Rạch Giá, được Phan Văn Linh (SN 1996, ngụ tỉnh Hà Nam) và Đỗ Duy Thành (SN 2000, ngụ TP Hải Phòng) thuê đi dán tờ rơi, thù lao từ 250.000-300.000 đồng/người/ngày. Chỉ trong 2 buổi sáng 28-3, các đối tượng đã rải xuống đường và dán hàng chục ngàn tờ rơi lên bờ tường, cột điện. Ngoài xử lý hành chính, công an 2 phường còn buộc các đối tượng khắc phục hậu quả bằng cách đi nhặt và xóa bỏ tờ rơi đã rải, dán.

Triệt nạn quảng cáo bẩn, tín dụng đen - Ảnh 1.

Công an TP Rạch Giá buộc các đối tượng vi phạm phải tẩy xóa, thu gom tờ rơi rải, dán cột điện. Ảnh: VĂN VŨ

Triệt nạn quảng cáo bẩn, tín dụng đen - Ảnh 2.

Tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp xuất hiện đầy rẫy ở TP HCM. Ảnh: PHẠM DŨNG

Thượng tá Danh Ngọc Thu, Trưởng Công an TP Rạch Giá, là người chỉ đạo thực hiện kế hoạch trên, được dư luận cả nước ủng hộ. Trước nạn quảng cáo “bẩn”, nhất là quảng cáo cho vay nặng lãi, vị lãnh đạo Công an TP Rạch Giá bày tỏ quyết tâm triệt xóa cho bằng được, nhằm bảo vệ mỹ quan đô thị, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vừa ra quyết định xử phạt Nguyễn Anh Tú (24 tuổi) và Nguyễn Nghĩa Trung (31 tuổi, cùng ngụ huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) mỗi người 350.000 đồng về hành vi phát tờ rơi quảng cáo bẩn gây mất mỹ quan đô thị.

Một chỉ huy Công an huyện Chợ Gạo khẳng định thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Tiền Giang, công an cấp huyện, xã quyết tâm xử lý triệt để tình trạng phát tờ rơi “bẩn”, nhất là xử lý, ngăn chặn từ đầu quảng cáo cho vay nặng lãi. Công an huyện Chợ Gạo cũng đã giao công an các xã tăng cường kiểm tra, cương quyết xử lý vi phạm.

UBND tỉnh Vĩnh Long mới đây ban hành kế hoạch về việc tăng cường, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương ngăn chặn, bóc gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo, thu gom tờ rơi có nội dung liên quan đến tín dụng đen và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Theo đại tá Trần Quốc Phục, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, những đối tượng cho vay nặng lãi đa phần ở các tỉnh khác đến Vĩnh Long. Lực lượng công an đã tuyên truyền, vận động người dân không nên vay “nóng” từ các đối tượng này để tránh rơi vào cảnh trả mãi không hết nợ, thậm chí còn bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Trung tá Phan Thành Được, Phó trưởng Công an TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cho biết thời gian qua, Công an TP Bạc Liêu cũng đã triệt phá nhiều vụ cho vay lãi nặng xuất phát từ những tờ rơi mà các đối tượng này rải, dán trên đường phố, như cách mà Công an TP Rạch Giá đang quyết liệt thực hiện. Theo đó, ngoài xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả, từ thông tin trên các tờ rơi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã mở rộng điều tra, triệt phá nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi.

TP HCM: Cần mạnh tay, đồng loạt triệt xóa

Tại TP HCM, vấn nạn dán tờ quảng cáo “bẩn”, nhất là quảng cáo tín dụng đen dưới hình thức “cho vay trả góp”, xuất hiện tràn lan, người dân rất bất bình.

Dạo một vòng con đường như Bùi Ðình Túy, Ðinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh ở quận Bình Thạnh (TP HCM)…, không khó phát hiện những tờ quảng cáo cho vay tiền dán chằng chịt, nham nhở, tờ sau chồng lên tờ trước ở các tủ điện, cột điện, tường nhà dân. Khắp các quận, huyện, từ các khu chợ, xí nghiệp, nhà máy đến nhà dân trong hẻm sâu, đều xuất hiện đầy rẫy tờ rơi, gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí gây ra những hệ lụy, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

Ông Lâm Quân Minh Vương – Chủ tịch UBND phường Ðông Hưng Thuận, quận 12 – khẳng định trong thời gian qua, phường đã huy động đoàn thanh niên, công an, tổ dân phố phối hợp với người dân địa phương làm sạch các cột điện, tủ điện bị dán tờ rơi, quảng cáo. “Chúng tôi tuần tra ở các tuyến đường, nếu bắt quả tang đối tượng vi phạm thì sẽ đưa về phường xử lý. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia và hầu như chủ nhật nào người dân cũng làm sạch cột điện” – ông Vương nhấn mạnh.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt này, thời gian qua, phường Ðông Hưng Thuận xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Gần đây nhất, vào đầu năm 2021, lực lượng ở phường Ðông Hưng Thuận (quận 12) đã bắt quả tang 2 người dán tờ rơi và đưa về phường lập biên bản vi phạm hành chính.

Về việc xử lý hành vi dán tờ rơi gây mất mỹ quan, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho hay Nghị định 28/2017/NÐ-CP quy định rất rõ về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông.

Nghị định 28 quy định mức xử phạt theo từng hành vi cụ thể. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Mức phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng áp dụng trong trường hợp quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.

Ngoài ra, người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi sai phạm. Theo luật sư Toàn, vấn đề là cơ quan chức năng có vào cuộc quyết liệt hay không.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, cho rằng không thể chấp nhận ở một thành phố văn minh, đô thị, quảng cáo “bẩn” nhan nhản khắp nơi, gây bất bình cho người dân. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải đồng loạt vào cuộc, mạnh tay triệt xóa vấn nạn này. 

Thừa Thiên – Huế: Xử phạt qua hệ thống Hue-S

Vào năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định hướng dẫn thực hiện xử phạt hành chính một số hành vi vi phạm quy định về quảng cáo, rao vặt, thực hiện theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP.

Theo đó, hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật (bao gồm cả việc dán, treo quảng cáo, rao vặt lên các công trình cổng thành, tường thành di tích) bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng; người có hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo, rao vặt các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng và phạt từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Hành vi quảng cáo, rao vặt hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định (bao gồm cả hành vi quảng cáo “tín dụng đen”) bị xử phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 -500.000 đồng đối với hành vi phát, rải tờ rơi; từ 1-2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 70-100 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi…

Kể từ khi hướng dẫn này có hiệu lực, nhiều vụ phát, rải hoặc dán tờ rơi ở Thừa Thiên – Huế được người dân phát hiện và gửi phản ánh lên Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh (Hue-S) nên cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý mạnh tay. Mới đây, giữa tháng 3, từ phản ánh của người dân qua hệ thống Hue-S này, Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Hữu Mạnh (SN 1998) và Phạm Hữu Hải (SN 1987) cùng trú tại đường Hồ Đắc Di, phường An Cựu, TP Huế để điều tra làm rõ về tội cho vay nặng lãi. Qua đấu tranh, các đối tượng đã thừa nhận hành vi cho vay nặng lãi của mình.

Cũng thông qua Hue-S, nhiều vụ rải tờ rơi đã được cơ quan chức năng xử lý nhanh; triệu tập, làm rõ các đối tượng vi phạm và ban hành các quyết định xử phạt rất nặng. Điển hình, Công an TP Huế đã ban hành xử phạt Nguyễn Văn Sơn (SN 1988), Mai Đình Hoàng (SN 1993; cùng ngụ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và Mai Ngọc Đức (SN 1997; ngụ huyện An Dương, TP Hải Phòng) với tổng số tiền gần 16 triệu đồng do rải tờ rơi cho vay tiền. – Q.Nhật

NHÓM PHÓNG VIÊN