Sức hút của những bản du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc
Nằm trên những địa hình hiểm trở, cheo leo trên những đỉnh núi xa, những bản du lịch cộng đồng của các dân tộc vùng Tây Bắc có sức hấp dẫn đặc biệt. Sức hấp dẫn ấy có được nhờ nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, phần khác là do sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm du lịch.
Du khách đốt lửa trại và trải nghiệm múa xòe tại bản Lướt.
Thế mạnh du lịch cộng đồng
Bản du lịch cộng đồng Lao Chải 1 (xã Khum Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) nằm ở lưng chừng núi, là thách thức không nhỏ với du khách lần đầu đến đây bởi những con dốc “cua tay áo”. Nhưng đến nơi, không gian thiên nhiên gần gũi, thân thiện, đặc biệt là sắc hoa địa lan bao phủ khiến du khách nhanh chóng quên đi cảm giác “ngộp thở” của chặng đường lên núi. Có lẽ vì thế, lâu nay, bản Lao Chải 1 được nhiều du khách đặt cái tên khá mỹ miều – “Vườn địa đàng”.
Trưởng bản Cứ A Chu nhiệt tình giới thiệu, toàn bản có 39 hộ dân tộc H’Mông sinh sống, trong đó có 5 hộ làm homestay, hơn 10 hộ chăn nuôi, còn lại là trồng rau, cây xanh, hoa địa lan để phục vụ du khách và làm đẹp cảnh quan môi trường trong bản.
“Toàn bộ đường trong bản, các tiểu cảnh hoa đều do người dân tự đóng góp để làm. Chúng tôi chia làm 4 tổ, thay phiên quét dọn vệ sinh hằng ngày. Môi trường trong lành khiến không chỉ du khách thích, mà chúng tôi cũng thấy cuộc sống của mình hạnh phúc hơn”, anh Cứ A Chu nói.
Cách bản Lao Chải 1 không xa là bản Sì Thâu Chải của người dân tộc Dao. Sì Thâu Chải chỉ cách thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) 6km nhưng nằm ở trên ngọn núi có độ cao 1.400m so với mặt nước biển. Tại đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng bao la, hùng vĩ. Với vẻ đẹp hữu tình này, bản Sì Thâu Chải là địa chỉ thu hút nhiều nhóm du lịch phượt, đoàn du lịch caravan đến trải nghiệm.
Trưởng bản Sì Thâu Chải – Lù A Nghi cho biết, bản bắt đầu làm du lịch cộng đồng từ năm 2017, trong bản hiện có 10 hộ dân làm homestay. Kể từ khi đón khách du lịch, người Dao trên bản rất ý thức việc giữ gìn cảnh quan. Bên cạnh trồng các loại cây lâu năm như đào, lê, mận, các hộ gia đình còn trồng nhiều hoa hồng quanh nhà.
“Chúng tôi đã có cuộc sống khấm khá hơn khi làm du lịch. Người Dao vẫn cố gắng giữ bản sắc, mặc trang phục truyền thống đón khách”, anh Lù A Nghi nói.
Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (Lai Châu) trồng nhiều cây xanh và hoa hồng.
Không chỉ ở Lai Châu, nhiều tỉnh Tây Bắc cũng coi du lịch cộng đồng là thế mạnh du lịch cần phát triển. Bản Lướt (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) là một trong những bản du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc đang thu hút nhiều du khách. Nét đặc trưng tại đây là cộng đồng người Thái trắng đã biết tận dụng lợi thế nguồn suối nước nóng thiên nhiên và tinh hoa ẩm thực để kéo du khách đến trải nghiệm.
Anh Lò Văn Pháng, chủ cơ sở homestay tại bản Lướt chia sẻ, cơ sở của anh thực hiện đón khách du lịch từ tháng 8-2020, giai đoạn đầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đến cuối năm, lượng khách đến đông, phải đặt trước mới có chỗ lưu trú.
“Mọi thứ đối với chúng tôi đều bỡ ngỡ, nhưng bà con rất hiểu, khi làm du lịch cần phải học cách làm các dịch vụ, làm việc có nguyên tắc hơn”, anh Lò Văn Pháng cho biết.
Phong cảnh tại bản Sì Thâu Chải khá hữu tình, môi trường sạch, đẹp.
Giữ bản sắc, tăng kết nối tuyến du lịch
Hiện nay, một trong những vấn đề đặt ra là làm sao để người dân giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như tăng tính kết nối giữa các điểm đến nhằm phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc một cách lâu dài. Bí thư Huyện ủy Tam Đường Tẩn Thị Quế thừa nhận, trên địa bàn huyện có rất nhiều dân tộc sinh sống như Thái, Dao, Mông, Lự…, trong đó, nhiều bản đã mai một nét văn hóa riêng.
“Chúng tôi luôn cử cán bộ đến từng bản tuyên truyền người dân giữ gìn bản sắc, thường xuyên mặc trang phục dân tộc, phát huy tinh hoa ẩm thực và các điệu dân ca, dân vũ”, bà Tẩn Thị Quế nói.
Bản Lao Chải 1 (Lai Châu) của người dân tộc H’Mông cũng thu hút du khách vì môi trường trong lành, nhiều cây xanh.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, các tỉnh Tây Bắc có sự liên kết với nhiều đơn vị lữ hành Hà Nội thực hiện các chuyến khảo sát, xây dựng sản phẩm.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng tới ngành du lịch, khách Hà Nội trải nghiệm du lịch Tây Bắc khá nhiều, góp phần làm cho thị trường du lịch có sự nhộn nhịp nhất định.
“Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại vùng cao vẫn cần có sự định hướng bài bản và cần có sự gắn kết chặt hơn với các đơn vị lữ hành để giới thiệu khách đến trải nghiệm”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Nhiều năm qua, Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc đã có sự liên kết chặt chẽ để cùng làm sản phẩm du lịch, trong đó du lịch cộng đồng là một điểm nhấn. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, sự liên kết giữa các vùng du lịch, trong đó có Hà Nội và Tây Bắc, tạo nên thị trường khách sôi động, nhưng các địa phương cần có chiến lược du lịch dài hạn, hướng dẫn, tập huấn cho bà con vùng cao để du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm bền vững.
HOÀNG LÂN