Giữ gìn nét đẹp trong lời ăn tiếng nói
Hiện tượng dùng nhiều tiếng lóng, chửi thề khi trò chuyện với nhau, dùng nhiều phép giản lược từ khi nói chuyện với người lớn hơn mình… khiến không ít người nghe cảm thấy khó chịu, phản cảm là một vấn đề không mới. Nhưng cái mới là trong xã hội ngày nay, việc nói giản lược, dùng tiếng lóng, nói bậy đã trở nên dần phổ biến, nhất là khi một bộ phận giới trẻ xem là “bình thường hóa” khi giao tiếp ngoài đời thực lẫn trên không gian mạng.
Trong quan hệ giao tiếp hằng ngày, trẻ em dần được trau dồi kỹ năng giao tiếp. Ảnh minh họa: Lâm Cón
Đó là một câu chuyện văn hóa cần phải suy ngẫm…
* Lối ứng xử trọng tình của người Việt
Trong xã hội Việt Nam truyền thống với nền kinh tế chính là nông nghiệp, nên người dân sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ. Người Việt muốn quan hệ tốt với các thành viên trong cộng đồng nên họ đặc biệt coi trọng và thích giao tiếp. Cũng vì thích giao tiếp, trở thành người quản giao và đã nảy sinh thêm các mối quan hệ: Dao năng mài năng sắc, Người năng chào năng quen. Giao tiếp cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá con người: Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Do thích giao tiếp nên người Việt thường có nhu cầu thăm viếng, gặp gỡ nhau. Việc thăm viếng nhau không đơn thuần dừng lại ở nhu cầu của công việc mà chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tình cảm, muốn thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các bên. Thật vậy, trong văn hóa Việt Nam, khi thân thiết, người Việt sẽ đến nhà thăm nhau, cho dù họ gặp nhau ở một môi trường khác như công sở, nơi buôn bán… hằng ngày một cách thường xuyên hơn. Một mối quan hệ được xác định thân – sơ có một phần dựa vào việc đã biết và đến thăm nhà nhau hay chưa. Và khi khách đến nhà, dù thân – sơ, lạ – quen, người Việt đều thể hiện lòng hiếu khách, tiếp đón chu đáo để thể hiện thịnh tình của gia chủ: Đói năm, không ai đói bữa; Khách đến nhà, không gà thì vịt…
Như đã ăn sâu vào cốt cách, đa phần người Việt đều lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp, để rồi luôn nhắc nhở nhau luôn trọng tình cảm hơn bất thứ điều gì trên đời. Người Việt vẫn biết rằng: Có tiền mua tiên cũng được, nhưng họ cũng biết rõ hơn rằng Có tình có nghĩa còn hơn cả tiền; hay Của tiền có có không không, Có tình có nghĩa còn mong hơn tiền…
Trong giao tiếp, người Việt vốn dĩ tế nhị và ý tứ nên có thói quen luôn cân đo đong đếm trước khi nói năng: Ăn có nhai, nói có nghĩ; Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói… Cho nên, bài học về nói năng được người Việt cho là quan trọng và học từ nhỏ cho đến suốt cuộc đời: Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Đặc biệt, trong giao tiếp, người Việt rất chú ý đến tính trật tự, tôn ti, đúng quan hệ tuổi tác, thứ bậc trong họ hàng, ngoài xã hội. Nếu như trong tiếng Anh, đại từ nhân xưng là I và You, thì hệ thống xưng hô của người Việt thì rất phong phú, ngoài đại từ nhân xưng, còn sử dụng các từ chỉ quan hệ họ hàng (anh, chị, em, ông, bà, cô, bác, dì, con, cháu…); một số từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ như: thầy, cô, bác sĩ…
Ông bà ta xưa cho rằng: Trâu chết để da, người chết để tiếng; Đói cho sạch, rách cho thơm; Tốt danh hơn lành áo… cho nên người Việt rất trọng danh dự. Chính lối sống trọng danh dự nên người Việt rất sợ tin đồn, sợ dư luận xã hội, sợ “mang tiếng” và sợ tai tiếng…
* Trau dồi kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp của người Việt vốn hàm chứa những nét đẹp như: trọng tình cảm, ý tứ, lễ giáo… song nó cũng hàm chứa một số đặc tính cần khắc phục. Chẳng hạn, dù thích giao tiếp và xởi lởi là vậy, nhưng điều đó chỉ bộc lộ trong phạm vi môi trường quen thuộc. Khi ra khỏi cộng đồng quen thuộc, ở một không gian khác, họ lại tỏ ra rụt rè, thiếu tự tin. Theo đó, một học sinh có thể thích giao tiếp trong phạm vi nhóm bạn của mình, trong lớp học của mình, hoặc trong gia đình của mình, nhưng ở một phạm vi rộng lớn hơn, môi trường khác như ở một gia đình khác, một ngôi trường khác… thường sẽ rụt rè hơn. Hoặc có trường hợp là “anh hùng bàn phím” trên không gian mạng nhưng kỹ năng giao tiếp bên ngoài lại kém, rụt rè, không dám nói trước đám đông.
Ở trường mầm non, bài học vỡ lòng của trẻ là bài học về chào hỏi
Không giống như cuộc sống dưới lũy tre làng trước đây, trong xã hội tiến bộ với nhu cầu giao lưu rộng mở như ngày nay, khả năng trình bày vấn đề logic, khoa học, thuyết phục trước nhiều người là điều mà cần học hỏi, trau dồi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện có nhiều khóa học kỹ năng về giao tiếp, nói chuyện trước đám đông… để rèn luyện kỹ năng nói được các phụ huynh và giới trẻ quan tâm.
Trở lại với đặc tính giao tiếp của người Việt, cũng vì quá quan tâm đến người khác nên muốn thể hiện sự quan tâm đó thì người Việt có nhu cầu tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tình trạng hôn nhân/yêu đương, độ tuổi, địa vị công việc, thu nhập, sức khỏe… của đối tượng giao tiếp. Đặc tính này vốn xuất phát từ tính cộng đồng, làng xã mà ra, khiến chủ thể giao tiếp bị đánh giá là tò mò, thiếu tính lịch thiệp, khiến đối tượng giao tiếp cảm giác khó chịu khi bị tìm hiểu quá sâu về đời tư.
Bên cạnh đó, đi kèm với đặc điểm trọng danh dự là bệnh sĩ diện. Vì quá coi trọng danh dự nên người Việt cho rằng: Một miếng giữa làng hơn một sàn xó bếp; Ở đời muôn sự tại chung/ Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi; Một quan tiền công không bằng một đồng tiếng thưởng…
* Học ăn học nói mỗi ngày
Vẫn biết rằng, những hiện tượng tiếng lóng và cách nói giản lược từ là những bước phát triển nội tại của bất kỳ một nền ngôn ngữ sống nào để có thể trở nên sinh động, tiện dụng và hợp thời hơn. Nhất là với giới trẻ, đôi khi họ thể hiện chính mình bằng những câu nói vui tai, từ ngữ thuộc dạng xu thế (top trend), thời thượng, mà chưa hiểu hết ý nghĩa, tác động của nó. Do đó, việc sử dụng ngôn ngữ thời thượng và đồng thời giữ gìn những giá trị cốt lõi, tốt đẹp của truyền thống như: sự lịch thiệp, lễ phép, lối ứng xử trọng nghĩa tình, phù hợp với từng đối tượng giao tiếp, không gian giao tiếp, cần được giữ gìn, chú trọng rèn giũa mỗi ngày, ngay trong từng gia đình, lớp học… Đặc biệt, mỗi người lớn cần làm gương tốt và nhắc nhở con em mình, loại bỏ ngay những từ ngữ thô tục, chửi thề, tránh để những từ ngữ này xuất hiện phổ biến, trở thành bình thường hóa trong giao tiếp hằng ngày.
Có một thực tế cần nhìn nhận rằng, ở một thời đại mà từ người cao tuổi đến trẻ em đều dễ dàng tiếp cận các thiết bị di động cầm tay có kết nối internet, thì phương thức giao tiếp của con người cũng có những thay đổi nhất định. Bên cạnh kênh giao tiếp truyền thống “mặt đối mặt” (face to face), con người hiện đại còn có kênh giao tiếp trên không gian mạng. Và dần dần, kênh giao tiếp mặt đối mặt, với những giao tiếp từ lời nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt (body language)… đã có phần bị mất dần tần suất xuất hiện, nhường chỗ cho kênh giao tiếp trên không gian mạng thông qua ký hiệu của ngôn ngữ, các biểu tượng (icon).
Một hình ảnh thường thấy trong gia đình, các thành viên sau một ngày bận rộn cho việc học, việc làm thì ở giờ sinh hoạt chung, giải trí bằng cách mỗi người một điện thoại, ít giao tiếp với nhau. Ngoài xã hội, những bạn trẻ kéo nhau ra quán nước thì mỗi người một điện thoại và trao đổi thông qua thiết bị di động.
Trước thực trạng này, các chuyên gia, nhà khoa học và giới báo chí đều có những nghiên cứu, các phản ánh, ghi nhận về ảnh hưởng của các thiết bị di động đối với đời sống con người cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vấn đề là còn lại ở mỗi người, mỗi gia đình, nhà trường cần chú trọng hơn trong việc gìn giữ nét đẹp trong lời ăn, tiếng nói và ở mức độ cao hơn là lối sống, lễ nghĩa của cả một thế hệ…
Lâm Viên