Tin lời quảng cáo dùng thuốc nam chữa bệnh, nhiều người suýt chết
Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn – Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra khuyến cáo về hậu quả đáng tiếc khi sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Chỉ vì tin theo các lời quảng cáo trên mạng xã hội mà nhiều người sử dụng sản phẩm tràn lan, kết quả là bệnh khỏi đâu chưa thấy đã phải lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân tự ý dùng thuốc nam chữa bệnh.
Chỉ trong 20 ngày, khoa tiếp nhận liên tiếp 2 ca bệnh đến từ vùng núi cao, nhiễm trùng hoại tử da nặng sau khi tự ý sử dụng thuốc nam. Người bệnh sốt cao, vết thương tấy đỏ, chảy mủ hôi thối và được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, có dấu hiệu suy đa tạng nguy hiểm tính mạng.
Đầu tiên là trường hợp anh G.A T., nam, 28 tuổi, dân tộc H’mong, trú tại Trạm Tấu, Yên Bái. Trong một lần đi rừng do côn trùng đốt làm sưng tấy đùi, anh không đi bệnh viện để khám mà lấy thuốc nam về đắp. Không lâu sau, vết thương lan rộng hoại tử da từ đùi lan đến bẹn và bìu, hoại tử lộ cả tinh hoàn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, xét nghiệm có dấu hiệu suy gan, thận. Có thời điểm, gia đình ý định xin cho bệnh nhân về nhà. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn và giải thích cho người nhà, bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật trong cấp cứu cắt lọc rộng rãi, lấy bỏ tổ chức hoại tử, cầm máu, để hở vết thương.
Sau mổ bệnh nhân được điều trị hồi sức, truyền dịch, kháng sinh mạnh. Dự kiến bệnh nhân sẽ còn tiếp tục phải trải qua vài lần phẫu thuật cắt lọc, ghép da và tạo hình da vùng bìu.
Trường hợp thứ 2 là ông H.V.T., nam, 57 tuổi ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Cách đây 1 tuần, ông T. có nhọt nhỏ ở vùng nách bên trái. Thay vì đến bệnh viện thăm khám, ông tự ý ở nhà đắp thuốc nam. Tuy nhiên, sau khi đắp vết thương không những không đỡ mà từ một nhọt nhỏ, cả vùng và ngực bên trái của bệnh nhân đã bị viêm tấy lan tỏa và hoại tử.
Để điều trị, các bác sĩ phải cắt lọc, để hở vết thương, dùng kháng sinh mạnh và thay băng thường xuyên bằng những băng đặc biệt cho bệnh nhân.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, rất may, cả hai bệnh nhân trên được chuyển đến bệnh viện và được phẫu thuật kịp thời nên tránh khỏi hậu quả đáng tiếc. “Các bệnh nhân hiện nay đều đang hồi phục dần dần nhưng vẫn sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ”, bác sĩ Chính nói.
“Tôi và đồng nghiệp rất cố gắng để cứu sống bệnh nhân, nhưng cũng phải tư vấn cho họ và gia đình để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau này. Ngay cả trường hợp một bệnh nhân gần đây như báo chí đưa tin bị biến chứng do tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội là “nhà tôi ba đời dùng thuốc nam” cũng vậy. Do đó, người dân tuyệt đối không coi thường bệnh tật mà cần đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị đúng phương pháp”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.
PHẠM QUÝ