Chủ động phòng tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ đang lan nhanh và gia tăng ở mức đáng báo động tại nhiều địa phương trên cả nước. Do chưa có vắc xin dự phòng nên việc trang bị các giải pháp để phòng bệnh là vấn đề hết sức cần thiết mà gia đình, nhà trường cần lưu ý.

Trong khoảng tháng 3 đến tháng 4 là thời điểm bệnh tay chân miệng bộc phát và bắt đầu gia tăng ở trẻ. Số lượng các ca bệnh xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, kéo theo nỗi lo cho nhà trường và các bậc phụ huynh.

Tại TPHCM, bệnh tay chân miệng đang lan rộng khắp các quận, huyện, trong đó Quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và khu vực II, III Thành phố Thủ Đức… là những nơi đang ở mức báo động.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Đến nay vẫn chưa có vắc xin dự phòng nên việc trang bị các giải pháp để chủ động phòng bệnh cho trẻ là vấn đề hết sức cần thiết, nhất là trong tình hình bệnh đang gia tăng như hiện nay.

Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; ăn chín, uống chín; thường xuyên vệ sinh nơi ở, dụng cụ thường dùng bằng chất tẩy thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; đưa trẻ đi khám chữa ngay ở cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh… là những giải pháp mà gia đình, nhà trường cần lưu ý.

Cạnh đó, để kiểm soát tình hình bệnh, các trường học cần tuân thủ các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Theo đó, nhà trường phải chủ động theo sát tình trạng của các em, đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do khi các em nghỉ học. Ngoài ra, cần tăng cường dọn vệ sinh, khử khuẩn xung quanh khuôn viên, cơ sở vật chất trong trường học để đảm bảo vệ sinh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Đối với phụ huynh, khi thấy trẻ có các biểu hiện như: sốt, đau họng; vết phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông; tổn thương niêm mạc miệng… phải cho trẻ nghỉ học, đồng thời thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học và tình trạng bệnh của trẻ.

Đặc biệt, phụ huynh phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ em là đối tượng chưa có nhận thức, kỹ năng phòng bệnh, vì thế gia đình, nhà trường hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho trẻ và góp phần đẩy lùi bệnh tay chân miệng. 

Gia Nguyễn